Cổ phiếu lớn dẫn dắt, VN-Index tiếp đà hồi phục sau nghỉ lễ
Đóng cửa, VN-Index tăng 4,67 điểm (0,38%) lên 1.221,03 điểm, HNX-Index tăng 0,73 điểm (0,32%) đạt 228,22 điểm, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (0,1%) lên 89,78 điểm.
VN-Index không thể kết phiên tại mức cao nhất ngày nhưng vẫn đóng cửa tuần trên mốc 1.220 điểm, điều này để ngỏ cơ hội tiếp tục hồi phục cho chỉ số chính sàn HOSE.
Do hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF, chỉ số bị nhiễu vào ATC do có một vài lệnh bán bất ngờ của nhóm trụ tuy nhiên diễn biến chung vẫn tương đối ổn định. Điểm còn thiếu trong phiên hôm nay là đà tăng không có sự lan tỏa mà chỉ tập trung vào một số cổ phiếu nhất định.
Tại nhóm vốn hóa lớn, GVR là mã giảm mạnh nhất với tỷ lệ mất giá là 2%, theo sau là POW (-1,4%), FPT (-1,1%),... Chiều ngược lại, HDB dẫn đầu danh mục tăng giá, đóng cửa tăng 3,4% lên 24.450 đồng/cp, cùng với VRE, TCB, MSN, VJC tăng hơn 2%.
Cổ phiếu ngân hàng duy trì vai trò dẫn dắt, tuy nhiên xu hướng chính vẫn là phân hóa. HDB tăng mạnh nhất ngành, TCB hạ độ cao khi đóng cửa chỉ còn tăng 2,9%. Cùng chiều, KLB, ACB, NVB, VAB, VCB, PGB, VPB, OCB, CTG tăng 0,2 – 2,8%.
Ở phía đối diện, VBB giảm 5,5% xuống 12.000 đồng/cp. Sắc đỏ cũng được ghi nhận ở LPB (-1,5%), VIB (-0,9%), SHB (-0,9%), TPB (-0,8%), EIB (-0,8%), BAB (-0,8%), …
Ở nhóm thép, một số cổ phiếu giao dịch khởi sắc như VGS (+4%), TVN (+1,8%), HPG (+1,1%), HSG (+1%), SMC (+0,8%), NKG (0,4%). Trong khi đó, TNA, HMC, POM đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 7,08 điểm (0,58%) lên 1.223,44 điểm, HNX-Index tăng 1,44 điểm (0,63%) về 228,94 điểm, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (0,16%) đạt 89,64 điểm.
VN-Index nới rộng sắc xanh về giữa phiên sáng khi có lúc chỉ số này tăng hơn 9 điểm. Tuy nhiên lúc dừng phiên sáng chỉ số đã hạ độ cao chỉ còn tăng hơn 7 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 524 mã tăng, 310 mã giảm và 223 mã đứng giá tham chiếu. Tương tự, ở nhóm vốn hóa lớn sắc xanh cũng chiếm ưu thế với 19 mã tăng/9 mã giảm.
Cổ phiếu “vua” vẫn đóng vai trò gánh vác chỉ số với phần lớn mã trong ngành duy trì sắc xanh. Cổ phiếu TCB có đóng góp lớn nhất với hơn 1,1 điểm cho chỉ số chung khi tạm tăng 2,7% lên mức 48.100 đồng/cp, bên cạnh EVF tăng 2,3% lên 13.600 đồng/cp.
Được ví như chỉ báo của thị trường, cổ phiếu của công ty chứng khoán duy trì giao dịch tích cực đến cuối phiên sáng khoán với hầu hết các mã trong ngành ghi nhận tăng điểm hoặc giữ giá tham chiếu, ngoại trừ VFS và IVS đỏ nhẹ dưới tham chiếu.
Điều còn thiếu ở thị trường phiên sáng nay là dòng tiền dường như vẫn thận trọng. Thanh khoản thị trường suy giảm với tổng khối lượng giao dịch phiên sáng nay đạt gần 277 triệu đơn vị, tương đương gần hơn 6.760 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với phiên trước. Tính riêng trên HOSE, giá trị khớp lệnh đạt gần 5.830 tỷ đồng.
Tính đến 10h50, VN-Index tăng gần 8 điểm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu VN30.
Theo quan sát, sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 21 mã tăng giá, 6 mã giảm giá và 3 mã đứng giá tham chiếu. MSN, TCB và VRE là ba cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm với tỷ lệ trên 2%.
Tính đến 9h40, VN-Index tăng 5,44 điểm (0,45%) lên 1.221,8 điểm, HNX-Index tăng 1,01 điểm (0,45%) đạt 228,51 điểm, UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,74%) đạt 90,36 điểm.
Tiếp nối xu hướng hồi phục của phiên trước, VN-Index mở cửa tăng gần 6 điểm trong phiên sáng nay. Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục là động lực dẫn dắt thị trường chung.
Ở rổ VN30, phe mua áp đảo với 22 mã tăng/3 mã giảm. TCB là công thần lớn nhất trong top ảnh hưởng tích cực lên VN-Index. Với mức tăng 3% mã này đóng góp hơn 1,2 điểm cho sắc xanh của chỉ số chính.
Theo thông báo mới đây, Techcombank vừa công bố nghị quyết về việc triển khai phương án trả cổ tức bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Với phương án trả cổ tức tiền mặt, Techcombank sẽ chi ra gần 5.284 tỷ đồng để trả cổ tức với tỷ lệ 15% (1 cổ phần nhận 1.500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền là 22/5 và ngày thanh toán cổ tức là 5/6. Nguồn thực hiện là lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến cuối năm 2023. Techcombank đang là ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt cao nhất trong năm 2024.
Sau khi đồng loạt điều chỉnh trong phiên hôm qua, cổ phiếu của các công ty chứng khoán giao dịch khởi sắc trở lại trong phiên sáng nay. Trong đó, BSI tăng mạnh nhất ngành với tỷ lệ 3,4% lên 52.300 đồng/cp, cùng với FTS (+2,6%), BVS (+2,6%), AGR (+2,3%), CTS (+2,3%), DSC (+2,2%), BMS (+2,1%), …
Tại thị trường quốc tế, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm trở lại sau khi thị trường đánh giá cuộc họp của Fed ít "diều hâu" hơn so với kỳ vọng ban đầu.
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 2/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 322 điểm, tương đương 0,85% và đóng cửa ở mức 38.226 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến thêm 0,91%, chốt phiên với 5.064 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,51% lên 15.841 điểm.