|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ra khỏi diện cảnh báo

21:15 | 22/12/2023
Chia sẻ
Việc tổ chức thành công họp ĐHĐCĐ thường niên vào tuần trước đã giúp cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines được chấp thuận ra khỏi diện cảnh báo.

Khách hàng đang làm thủ tục checkin tại quầy Vietnam Airlines. (Ảnh minh họa: MH).

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vừa có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12.

Lý do là hãng hàng không này đã tổ chức thành công họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định tại khoản 4 điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.

Cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7 do chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Cổ phiếu thuộc diện cảnh báo sẽ không được cấp margin nhưng cổ phiếu HVN vẫn chưa đủ điều kiện được giao dịch ký quỹ do vi phạm các quy định khác. 

Thực tế, Vietnam Airlines đã liên tục hoãn và dời ngày tổ chức đại hội. Hồi tháng 4, Hội đồng quản trị (HĐQT) ra nghị quyết chốt thời gian tổ chức đại hội vào ngày 20/6. Sau đó công ty dự kiến tiến hành đại hội trước ngày 30/8. Đến ngày 10/7, HĐQT lại thông qua việc lùi thời gian họp ĐHĐCĐ thường niên với lý do “công ty cần có thêm thời gian chuẩn bị”.

Kế tiếp, HĐQT Vietnam Airlines lại tiếp tục thay đổi ngày diễn ra đại hội từ ngày 15/11 sang ngày 21/11 với lý do "kế hoạch công tác của lãnh đạo tổng công ty thay đổi". Cuối cùng, công ty đã tổ chức thành công họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 16/12.

Ra khỏi diện cảnh báo, nhưng 2,2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi vi phạm cả ba điều kiện gồm kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tuần trước, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng cho rằng việc âm vốn chủ và thua lỗ ba năm liên tiếp của Vietnam Airlines là tình huống đặc biệt khi ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết đây là tình huống khách quan. Doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu, đánh giá yếu tố này thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên HOSE. 

Vietnam Airlines đang tiến hành các giải pháp đồng bộ về tái cơ cấu trong đó tập trung vào các giải pháp tự thân để khắc phục hệ quả của COVID-19. 

Còn dòng tiền cân đối để đảm bảo hoạt động kinh doanh năm 2023 và 2024 là tự thân Vietnam Airlines thông qua các giải pháp điều hành, cắt giảm chi phí, quản trị nội bộ.

"Kỳ vọng sau một thời gian không lâu, Vietnam Airlines sẽ cân bằng được tài chính, khắc phục được hệ quả COVID-19, đưa trạng thái tài chính về an toàn. Chúng tôi cần một thời gian không dài để đưa Vietnam Airlines có lãi, cũng cần một thời gian không quá dài để vốn chủ sở hữu dương và khi đó cổ phiếu có thể đáp ứng yêu cầu của HOSE”, ông Trần Thanh Hiền nói.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.