ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Có thể thoát lỗ năm 2024, giá dầu cứ tăng 1 USD/thùng thì chi phí tăng khoảng 74 tỷ
Sáng 16/12, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022.
Giá dầu tăng 1 USD/thùng, chi phí tăng tương ứng khoảng 74 tỷ
Đà phục hồi thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại trong quý II.
Hãng hàng không quốc doanh này cho biết dịch bệnh được kiểm soát trong nước, tuy nhiên các giải pháp kích cầu có tác động chậm, sức mua của người dân chưa được cải thiện rõ rệt. Vietnam Airlines dự kiến khách tổng thị trường năm nay giảm 3,8% so với 2022 song tăng 11,3% so với 2019.
Hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịnh; các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao.
Đối với thị trường quốc tế, các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong có mức độ phục hồi yếu, không đạt kỳ vọng do chỉ chậm trễ trong việc gỡ bỏ hạn chế đi lại, khó khăn trong việc làm visa, dự kiến chỉ đạt 60% vào giữa năm và đạt khoảng 85% - 90% so 2019 vào cuối năm.
Dự kiến khách tổng thị trường quốc tế năm nay có thể tăng 159% so 2022 nhưng mới phục hồi được 87% so 2019.
Trong nửa sau năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do kết quả cao điểm hè thấp hơn kỳ vọng, nguy cơ suy giảm cầu tại các thị trường trọng điểm, tình hình thị trường nội địa không khả quan, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân, các yếu tố đầu vào diễn biến bất lợi và khó lường, rủi ro tài chính rất lớn.
Với các yếu tố trên đây, cả năm 2023, công ty mẹ ước tính lỗ khoảng 5.350 tỷ đồng, kết quả hợp nhất lỗ trước thuế 6.082 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm 2023 dự kiến tăng gần 28% so với năm ngoái lên 91.810 tỷ đồng.
Giá nhiên liệu bay kế hoạch 2023 báo cáo ĐHĐCĐ được xây dựng trên cơ sở cập nhật dự kiến giá các tháng cuối năm theo mức giá future của Sing Jet Kero tại thời điểm lập kế hoạch (giá nhiên liệu 4 tháng cuối năm dự kiến ở mức 119,36 USD/thùng, giá nhiên liệu bình quân cả năm 2023 khoảng 106,86 USD/thùng).
Tại mức giá này, doanh nghiệp cho biết chi phí nhiên liệu kế hoạch năm 2023 tăng so với năm 2019 do yếu tố giá khoảng 6.020 tỷ đồng.
Trong các tháng cuối năm, giá nhiên liệu đang biến động rất mạnh, rủi ro giá nhiên liệu cuối năm 2023 rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới.
Vietnam Airlines cho hay với giá nhiên liệu bình quân 4 tháng cuối năm tăng/giảm 1 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu 4 tháng cuối năm 2023 tăng/giảm tương ứng khoảng 74 tỷ đồng.
Kế hoạch tái cơ cấu
Tại đại hội, Vietnam Airlines đã đưa ra các giải pháp tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, tổng công ty sẽ triển khai các thủ tục SLB (Sale and Lease back - bán và cho thuê lại) đối với 2 động cơ dự phòng và bán các tàu A321 và ATR72 cũ để bổ sung dòng tiền khoảng 1.800 tỷ đồng (chưa bao gồm việc SLB với 2 máy bay A321 P2F).
Tuy nhiên, doanh nghiệp cho hay việc bán tàu cũng phụ thuộc vào tình hình thị trường cũng như cần điều chỉnh phù hợp với nhu cầu khai thác và thế chấp tài sản cho các khoản vay.
Ngoài ra, Vietnam Airlines thông tin sẽ triển khai các bước để thực hiện các giải pháp hỗ trợ thanh khoản lần 2 theo tiến độ trong Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn (sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Với kết quả kinh doanh như trên và sự cải thiện của dòng tiền thu bán trước, Vietnam Airlines dự kiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2023 có thể đạt mức dương.
Nếu đạt được kết quả này và thực hiện thành công toàn bộ các giải pháp tái cơ cấu tài sản (bán máy bay, SLB động cơ dự phòng giúp bổ sung dòng tiền khoảng 1.800 tỷ đồng), đồng thời được các ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng (hạn mức vay ngắn hạn khả dụng khoảng 5.500 tỷ đồng), Vietnam Airlines thông tin có thể cân đối dòng tiền thanh toán một phần khoản nợ quá hạn theo cam kết với các chủ nợ để giảm dần nợ quá hạn phát sinh trong giai đoạn bị ảnh hưởng của COVID-19.
Tuy nhiên tổng công ty vẫn cần tiếp tục đàm phán giãn hoãn đối với một số khoản nợ nhà cung cấp (kéo theo các rủi ro pháp lý và chi phí tài chính có thể phát sinh).
Dự kiến cuối năm 2023, số dư tiền cuối kỳ khoảng 491 tỷ đồng, dư nợ vay ngắn hạn khoảng 5.500 tỷ đồng, vay tái cấp vốn khoảng 4.000 tỷ đồng và nợ quá hạn nhà cung cấp phải duy trì ở mức khoảng 8.000 tỷ đồng.
Hiện nay, trong bối cảnh các ngân hàng vẫn đang siết chặt giải ngân hạn mức tín dụng và trạng thái tài chính không thuận lợi cho việc vay vốn, doanh nghiệp cho hay khả năng bán máy bay chưa chắc chắn.
Tổng công ty nhận định rủi ro dòng tiền trong năm 2023 vẫn rất lớn đặc biệt nếu hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố khách quan (biến động thị trường, giá nhiên liệu, tỷ giá...).
Trong trường hợp nếu hoàn thành được thêm giải pháp thoái vốn tại TCS trong năm 2023 (theo kiến nghị tại Đề án tái cơ cấu 2021-2025), tổng công ty sẽ có thêm nguồn thu bổ sung để đảm bảo tốt hơn việc cân đối dòng tiền và trả nợ quá hạn theo lộ trình cam kết, giảm các rủi ro pháp lý có thể phát sinh và bổ sung nguồn dự trữ tài chính cho hoạt động SXKD giai đoạn tiếp theo.
Tại Đề án tái cơ cấu 2021-2025, giải pháp thoái vốn năm 2023-2024 (thoái vốn tại TCS năm 2023 và Skypec năm 2024) là các giải pháp trọng yếu để bổ sung dòng tiền đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo hoàn trả các khoản nợ nhà cung cấp và nợ vay theo lộ trình đã cam kết (bao gồm cả khoản vay tái cấp vốn sẽ đến hạn hoàn trả trong năm 2024).
Thảo luận:
Rủi ro huỷ niêm yết của Vietnam Airlines khi doanh nghiệp đã thua lỗ ba năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu? Liệu có ngoại lệ nào khi doanh nghiệp vẫn tiếp tục được niêm yết?
Ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng: Việc âm vốn chủ và thua lỗ ba năm liên tiếp của Vietnam Airlines là tình huống đặc biệt khi ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đây là tình huống khách quan, doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu và đánh giá yếu tố này thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên HOSE. Năm 2024, dự kiến Vietnam Airlines có thể thoát lỗ.
Vietnam Airlines đang tiến hành các giải pháp đồng bộ về tái cơ cấu trong đó tập trung vào các giải pháp tự thân để khắc phục hệ quả của COVID-19.
Còn dòng tiền cân đối để đảm bảo hoạt động kinh doanh năm 2023 và 2024 là tự thân Vietnam Airlines thông qua các giải pháp điều hành, cắt giảm chi phí, quản trị nội bộ.
"Kỳ vọng sau một thời gian không lâu, Vietnam Airlines sẽ cân bằng được tài chính, khắc phục được hệ quả COVID-19, đưa trạng thái tài chính về an toàn. Chúng tôi cần một thời gian không dài để đưa Vietnam Airlines có lãi, cũng cần một thời gian không quá dài để vốn chủ sở hữu dương và khi đó cổ phiếu có thể đáp ứng yêu cầu của HOSE”, ông Trần Thanh Hiền nói.
Tình hình dòng tiền, kế hoạch trả nợ của Vietnam Airlines ra sao?
Ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng: Dòng tiền cải thiện năm 2023 đã được cải thiện, đã bố trí trên 7.000 tỷ đảm bảo trả các khoản nợ trong năm nay. Dự kiến nợ quá hạn tính cuối năm nay còn 8.000 tỷ.
Doanh nghiệp cam kết có thể trả các khoản nợ tạm hoãn. Tiếp đến là giải quyết âm vốn chủ và xoá lỗ luỹ kế. Phải có đề án tái cơ cấu về tài sản, danh mục đầu tư, có thêm thu nhập và nguồn vốn cải thiện dòng tiền thì doanh nghiệp mới có khả năng xoá lỗ luỹ kế.
Tái cơ cấu là một đề án rất lớn, một nội dung quan trọng là tái cơ cấu tài sản (bán tàu bay cũ), thoái vốn và chuyển nhượng vốn các đơn vị thành viên (Skypec, TCS).
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ tài chính khác để bổ sung nguồn vốn.
Bamboo Airways đã thu hẹp nhanh đội tàu, Vietnam Airlines đã chuẩn bị cơ hội ra sao để gia tăng thị phần? Công ty có kế hoạch thuê thêm tàu không?
Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà: Trong giai đoạn vừa qua, Vietnam Airlines đã chủ động điều chỉnh bổ sung đường bay quốc tế và quốc nội phần nào bù đắp vào phần giảm của Bamboo Airways.
Khi Bamboo Airways đang cắt giảm thì Vietnam Airlines có thể tìm kiếm thêm nguồn lao động chất lượng cao trong năm nay và năm tới.
Các điểm cơ bản của đề án tái cơ cấu?
Ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch HĐQT: Đối với Vietnam Airlines, mấy năm qua, đại dịch ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng, tác động nặng nề tới kết quả kinh doanh. Năm 2023 thị trường tốt lên, số lỗ giảm đi tương đối đáng kể.
Đề án tái cơ cấu tổng thể đã xây dựng qua nhiều vòng và đã báo cáo lên Chính phủ.
Nội dung của đề án tái cơ cấu xoay quanh giải pháp nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines - đây là điểm cốt lõi. Sau đó là các giải pháp hỗ trợ của chính phủ với vai trò là cổ đông lớn, chủ yếu là về cơ chế, chính sách.
Giải pháp nội lực gồm tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, thoái vốn tại đơn vị thành viên và tái cơ cấu về đất đai, phương án sử dụng đất đai. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiến hành tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, tinh giản bộ máy, nhấn mạnh vào chuyển đổi số.