Cổ phiếu dầu khí tiếp tục hút dòng tiền
Kết phiên 5/4, VN-Index tăng 8,5 điểm (+0,9%) so với cuối tuần trước, đạt 989,26 điểm; HNX-Index tăng nhẹ lên 107,87 điểm.
Thanh khoản trong tuần qua giảm nhẹ và ở dưới mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 4.500 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 1,7% lên 20.181 tỉ đồng tương ứng khối lượng giao dịch tăng 2,4% lên 990 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 10,4% xuống 2.180 tỉ đồng, khối lượng giao dịch giảm 10,4% xuống 156 triệu cổ phiếu.
Với việc thị trường hồi phục trở lại trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành chính đều ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ. Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất tuần với mức tăng 4,8% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự tác động của cổ phiếu trụ cột trong nhóm là FPT (+5,1%). Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức tăng 4,5% giá trị vốn hóa nhờ hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thế giới, với các mã tiêu biểu như GAS (+5,7%), PVD (+8,9%), PVS (+8,7%), POW (+1,7%), BSR (+2,4%), PLX (+3,4%), PVB (+12,4%), PVC (+5,6%)...
Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất thị trường là ngân hàng giảm nhẹ 0,2% giá trị vốn hóa và đây là nguyên nhân chủ yếu khiến mức tăng của thị trường bị thu hẹp lại.
Nguồn: NH tổng hợp
Đáng chú ý, VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tuần trên sàn HOSE. VHG đã tăng trần 14 phiên liên tiếp chỉ sau hai phiên giảm sàn trước đó. Ngoài ra, TGG (CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang) cũng tăng 25% từ 3.040 đồng lên 3.800 đồng. Ở chiều ngược lại, ICF (CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản) là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần với 17% từ 1.280 đồng xuống 1.060 đồng/cp.
Khối ngoại cũng mua ròng hơn 186 tỉ đồng, tương ứng với khối lượng 130.000 cổ phiếu. Trong đó, NKG được mua ròng nhiều nhất 3,6 triệu cổ phiếu, tiếp theo là MSN với 2,4 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FLC là mã bị bán ròng lớn nhất với 5,5 triệu cổ phiếu.
Ngày 3/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cũng thông báo về việc đưa cổ phiếu HNG của HAGL Agrico vào diện cảnh báo. Nguyên nhân bởi công ty có khoản lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2018 là 659,15 tỉ đồng căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm
Về một số ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán, Hoàng Anh Gia Lai giải trình rằng, toàn bộ khoản nợ phải thu gần 7.600 tỉ đồng của nhóm An Phú đều có khả năng thu hồi, trong đó cá nhân ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL và các cá nhân có liên quan cam kết bảo lãnh 2.157 tỉ đồng.
HAGL cho rằng do giới hạn phạm vi kiểm toán nên kiểm toán viên không thể kiểm tra được hết và đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi nêu trên và đưa ra ý kiến ngoại trừ với số phải thu là gần 2.600 tỉ đồng. Sau những lùm xùm liên quan, cổ phiếu HAG giảm nhẹ tuần qua về mức 5.420 đồng/cp.
Nguồn: NH tổng hợp
Trên sàn HNX, DNY (CTCP Thép Dana - Ý) là cổ phiếu tăng tích cực nhất, tiếp theo là KSK (CTCP Khoáng sản Luyện kim màu) với mức tăng 33% từ 300 đồng lên 400 đồng. Ở chiều ngược lại, VE1 (CTCP Xây dựng điện VNECO1) là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần với 29% từ 15.400 đồng xuống 10.900 đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 27 tỉ đồng. Xét theo khối lượng ròng, các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là VGC với 1,4 triệu cổ phiếu, PVS với 1,3 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, SHB là mã bị bán ròng mạnh nhất 2,8 triệu cổ phiếu.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố quyết định chấp thuận đăng kí giao dịch cổ phiếu của CTCP Dịch vụ kỹ thuật MobiFone (MobiFone Service) với mã MFS. Tổng số cổ phiếu MFS đăng kí giao dịch trên UPCoM là gần 7,1 triệu cp.
Ngày 26/4 tới đây, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thuận An sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 1,3 triệu cp tại HNX, tương đương 83,26% vốn điều lệ sau cổ phần hóa của công ty. Mức giá khởi điểm lên tới 25.600 đồng/cp.
Giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa của công ty tại ngày 21/1/2019 đạt hơn 44,4 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 41,2 tỉ đồng.