|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng theo giá dầu, VIC xuống thấp nhất 12 tháng

23:22 | 10/02/2022
Chia sẻ
Trong khi các cổ phiếu dầu khí như GAS, POW, PLX nỗ lực nâng đỡ thị trường, bộ đôi VIC (Vingroup) và VHM (Vinhomes) lại là những mã tác động tiêu cực nhất VN-Index phiên 10/2.
Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng theo giá dầu, VIC xuống thấp nhất 12 tháng - Ảnh 1.

Một dự án bất động sản của Tập đoàn Vingroup. (Ảnh: Song Ngọc).

Phiên giao dịch 10/2, VN-Index giằng co quanh tham chiếu, kết phiên chỉ tăng 1,4 điểm (tức chưa đầy 0,1%). HNX-Index và UPCoM-Index khả quan hơn khi đóng cửa tăng lần lượt 0,95% và 0,57%.

Trong top 10 cổ phiếu nâng đỡ tích cực nhất cho VN-Index có tới ba mã liên quan tới dầu khí là GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng theo giá dầu, VIC xuống thấp nhất 12 tháng - Ảnh 1.

Bộ đôi cổ phiếu VIC và VHM làm VN-Index mất tổng cộng hơn 3 điểm trong phiên 10/2. (Đơn vị: điểm).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VIC - VHM của cặp công ty mẹ con Vingroup - Vinhomes là những mã kéo tụt VN-Index. VIC kết phiên ở mức giá 84.000 đồng/cp, thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2021 trở lại đây. 

Vốn hóa của Vingroup hiện nay là gần 320.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 thị trường chứng khoán Việt Nam sau Vinhomes và Vietcombank (Mã: VCB).

GAS sau phiên khởi sắc cũng đã vượt qua HPG của vua thép Hòa Phát để giành vị trí thứ 4 về vốn hóa. Cả GAS và HPG cùng lập đỉnh lịch sử vào phiên 28/10 năm ngoái. Hiện nay HPG đang kém đỉnh 19% còn GAS chỉ kém 10,4%.

Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng theo giá dầu, VIC xuống thấp nhất 12 tháng - Ảnh 2.

Vinhomes là quán quân lợi nhuận toàn thị trường trong quý IV cũng như cả năm 2021. Trong quý vừa qua, Vinhomes ghi nhận lãi sau thuế xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, nâng lợi nhuận cả năm lên hơn 39.000 tỷ. Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đứng sau với lãi ròng 34.500 tỷ.

Vingroup - công ty mẹ của Vinhomes - lỗ hơn 9.200 tỷ đồng trong quý IV và khoảng 7.500 tỷ trong cả năm 2021. Đây là năm lỗ đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Vingroup.

Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng theo giá dầu, VIC xuống thấp nhất 12 tháng - Ảnh 3.

Cổ phiếu dầu khí khởi sắc khi giá dầu vượt đỉnh 7 năm

Bên cạnh các bluechip như GAS, PLX và POW ở sàn HOSE, các cổ phiếu dầu khí ở HNX và UPCoM cũng diễn biến khả quan trong phiên hôm nay với PVS tăng 1,8%, OIL thêm 3,4%, BSR tăng 3%. PVT, PVC, PVO đều đóng cửa trong sắc xanh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp đà hồi phục sau dịch và căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, giá dầu thô Brent trên thị trường quốc tế gần đây đã tăng mạnh lên 93 USD/thùng, cao nhất trong hơn 7 năm qua.

Bank of America dự báo giá dầu thô có thể chạm đỉnh 120 USD/thùng vào tháng 6 năm nay rồi sau đó thoái trào. Một trong những nhân tố hỗ trợ chính cho giá dầu là nhu cầu nhiên liệu tăng lên khi các hoạt động giao thông vận tải được nối lại, nhất là vận tải bằng đường hàng không.

"Nhu cầu tăng, công suất dư thừa giảm bớt, tồn kho dầu thấp, và bất ổn địa chính trị lên cao có thể đưa giá dầu Brent lên 120 USD/thùng vào giữa năm nay rồi quay về mức 80 USD/thùng vào nửa sau của năm", Bank of America dự đoán.

Một chuyên gia của hãng tư vấn Independent Strategy thì cho rằng giá dầu thô chắc chắn sẽ chạm 120 USD nếu như Nga tấn công Ukraine.

Ngược lại, công ty quản lý tài sản DWS của Đức cho rằng nếu cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine được dàn xếp ổn thỏa, giá dầu có thể giảm về khoảng 70 USD/thùng.

Trong 6 tháng gần đây, giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 30%, giá nhiều cổ phiếu dầu khí của Việt Nam như BSR, PVD, PVS, OIL và GAS cũng đi lên đáng kể như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.

Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng theo giá dầu, VIC xuống thấp nhất 12 tháng - Ảnh 5.

Kết quả kinh doanh trong quý IV vừa qua của các doanh nghiệp dầu khí cũng có nhiều cải thiện. 

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 34.500 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp 3.175 tỷ, tăng trưởng 133%. Nhờ vậy, biên lãi gộp cải thiện từ 7,9% lên 9,2%.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, BSR báo cáo lợi nhuận sau thuế 2.675 tỷ đồng, tăng 113% so với quý IV/2020. Lũy kế cả năm, BSR báo lãi ròng khoảng 6.700 tỷ đồng trong khi năm 2020, công ty lỗ trên 2.800 tỷ.

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã: PVD) ghi nhận doanh thu quý IV đạt 1.334 tỷ đồng, tăng 62% so với một năm trước. Mảng khoan là động lực tăng trưởng chính với doanh thu đạt 720 tỷ đồng, tăng 66%. 

PVD cho biết hiệu suất sử dụng giàn khoan quý vừa qua cải thiện lên mức 77%. Biên lợi nhuận gộp đạt 10,2%, tăng đáng kể so với mức 4,4% cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế của PVD đi xuống do lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh giảm.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo doanh thu của PVD năm 2022 có thể đạt 5.905 tỷ đồng, tăng 37% so với năm ngoái; lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ khoảng 179 tỷ đồng, tăng 229%. 

Về dài hạn, VDSC kỳ vọng việc khởi công các dự án lớn như Lô B sẽ là động lực giúp hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVD cải thiện và duy trì sự ổn định trong nhiều năm, từ đó giúp mức định giá của công ty tốt và duy trì bền vững hơn.

Chứng khoán SSI ước tính doanh thu của GAS trong năm 2022 có thể đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 17,5%; lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ khoảng 11.600 tỷ đồng, tăng 35,3%. 

Dự báo này được đưa ra dựa trên hai giả định, một là giá dầu thô Brent trung bình cả năm đạt 80 USD/thùng và hai là sản lượng khí khô phục hồi 18,5% so với năm ngoái lên 8,5 tỷ m3 nhờ nhu cầu từ các nhà máy điện cải thiện và nhu cầu từ khu công nghiệp tăng mạnh.

Song Ngọc