Cổ phiếu công ty sản xuất oxy y tế nắm 60% thị phần cả nước, tăng 4 lần trong 4 tháng
Cổ phiếu công ty sản xuất khí oxy y tế lập đỉnh
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm y tế, trong đó có bình dưỡng khí oxy. CTCP Hơi kỹ nghệ Que hàn (Sovigaz - Mã: SVG) là doanh nghiệp sản xuất khí oxy y tế lớn duy nhất trên sàn chứng khoán đang chứng kiến chuỗi tăng giá liên tiếp.
Cổ phiếu SVG vừa có chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp lên mức đỉnh 29.600 đồng/cp vào ngày 6/9. Kết phiên giao dịch ngày 8/9, SVG điều chỉnh về mức 25.200 đồng/cp.
Trước đó từ đầu năm, SVG gần như đi ngang quanh vùng giá 5.000 đồng/cp sau đó có chuỗi tăng mạnh kể từ giữa tháng 5 đến nay. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 4 tháng, cổ phiếu SVG đã tăng 4 lần.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của công ty rất cô đặc. Trong đó, công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem nắm giữ 98,16% vốn điều lệ và chỉ có 1,84% cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông khác.
Đà tăng của cổ phiếu SVG đã giúp giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp tăng lên khoảng 750 tỷ đồng.
Đầu tháng 11/2020, Vinachem từng đấu giá 13,84 triệu cổ phiếu SVG (47,15% vốn điều lệ) với mức giá khởi điểm 26.700 đồng/cp, gấp 4,3 lần thị giá thời điểm đó, tuy nhiên không có nhà đầu tư nào tham gia giao dịch.
Lãi hàng năm chỉ vài tỷ đồng
Sovigaz được thành lập từ năm 1974 trên cơ sở sáp nhập giữa Phân khu Việt Nam S.O.A.E.O và Công ty Việt Nam Hơi kỹ nghệ. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản với các sản phẩm khí y tế, khí công nghiệp, que hàn điện và hóa chất. Đến năm 2014, doanh nghiệp cổ phần hóa và giao dịch trên sàn UPCoM.
Sovigaz đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất oxy, nitơ đầu tiên tại một xí nghiệp ở TP HCM ngay từ năm 1994 (nay chuyển về Bình Dương). Sau này, dây chuyền liên tục được cải tiến, các xí nghiệp sản xuất cũng mở rộng ra các tỉnh thành ở phía Nam như Biên Hòa, Long An, Cần Thơ và các khu vực khác gồm Nha Trang, Hải Phòng.
Hiện các đơn vị y tế, bệnh viện và các hãng vận tải, hàng không, khu công nghiệp đều dự trữ oxy y tế và hóa chất để phòng khi có trường hợp xấu nhất xảy ra. Sovigaz cho biết hiện mỗi tháng cả nước tiêu thụ từ 3.000 - 4.000 tấn khí oxy y tế, nhưng nhà máy có thể sản xuất tới 7.000 tấn/tháng, tức cao gấp đôi so với nhu cầu hiện nay.
Hơn 60% thị phần cả nước với gần 100 bệnh viện lớn như Từ Dũ, Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp,... đang sử dụng oxy do nhà máy sản xuất.
Theo ông Trịnh Anh Phong, Tổng Giám đốc của Sovigaz, hiện một ngày, một trong hai dây chuyền sản xuất khí oxy của công ty có thể đưa ra thị trường 180 tấn oxy y tế, đáp ứng thừa nhu cầu của thị trường. Các thiết bị dây chuyền này vận hành liên tục 24/7 trong cả năm và chỉ nghỉ bảo dưỡng từ 7 - 10 ngày.
Nắm thị phần lớn về sản phẩm oxy y tế nhưng kết quả kinh doanh của Sovigaz không để lại nhiều ấn tượng. Kể từ khi niêm yết trên sàn năm 2014 tới nay, công ty đạt doanh thu thuần hàng năm ở khoảng 260 tỷ đồng và lãi sau thuế ở mức khiêm tốn trong khoảng 1 tỷ đến 3 tỷ đồng.
Năm ngoái, khi dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát, lãi sau thuế của Sovigaz giảm mạnh 35% so với năm trước, đạt gần 2,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết sản phẩm khí công nghiệp chịu sự cạnh tranh gay gắt khi ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, nhất là các dự án FDI công suất lớn, khiến nguồn cung vượt xa nhu cầu thị trường.
Mặt khác, tiêu thụ khí công nghiệp trong năm 2020 giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19; sản phẩm que hàn cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các đơn vị trong nước.
Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, Sovigaz ghi nhận doanh thu thuần tăng 3% so với cùng kỳ năm trước lên gần 126 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 3% xuống 626 triệu đồng, thực hiện 16% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của Sovigaz là 442 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định. Về tình hình công nợ, công ty có tổng nợ vay gần 120 tỷ đồng, chiếm 27% tổng nguồn vốn.