|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Hoá chất có thể thoái sạch vốn tại DAP Vinachem, dự kiến lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong năm nay

15:26 | 27/05/2021
Chia sẻ
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem cho biết quá trình tái cơ cấu, thoái vốn của Vinachem vẫn gặp một vài vấn đề liên quan đến nhà đất, thị trường, giá cả và một số yếu tố khác.

Vinachem dự kiến lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong năm 2021

Tập đoàn hóa chất Việt Nam – Vinachem vừa trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021.

Theo đó, với các đơn vị không thuộc đề án 1468 (12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương), doanh nghiệp đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp xấp xỉ 34.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với ước thực hiện năm 2020. 

Chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này lần lượt là hơn 36.300 tỷ đồng và gần 1.570 tỷ đồng, tương ứng mức tăng hơn 5% và giảm gần 1% so với ước thực hiện năm trước.

Một số đơn vị được dự báo có lợi nhuận năm 2021 giảm so với ước thực hiện năm 2020 là công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam do trong năm vừa qua có hoàn nhập tiền khai thác mỏ 164 tỷ đồng; CTCP Bột giặt LIX do giảm sản lượng tiêu thụ gel rửa tay và CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam do giảm sản lượng tiêu thụ axit sulphuric.

Trong khi đó, với các đơn vị thuộc đề án 1468 (CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình), chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp là gần 7.700 tỷ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2020. 

Năm 2021, mục tiêu nhóm doanh nghiệp này đạt 7.780 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% so với năm trước, và lỗ 2.785 tỷ đồng, giảm lỗ 1.105 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020.

Vinachem có thể thoái vốn DAP - Vinachem về 0% - Ảnh 1.

Các chỉ tiêu thực hiện trong năm 2020 của Vinachem. (Ảnh: Vinachem)

Có thể thoái vốn DAP Vinachem về 0% 

Giai đoạn 2021 – 2025, tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung khai thác thực hiện đề án tái cơ cấu sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào một số nội dung như cổ phần hóa tập đoàn mẹ và công ty Apatit cũng như phương án và lộ trình thoái vốn tại CTCP DAP – Vinachem.

Trả lời phỏng vấn báo Nông Nghiệp, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem cho biết lộ trình tái cơ cấu, thoái vốn của doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2018 đến năm 2020 nhưng chỉ thực hiện tốt trong đơn vị. Các đơn vị khác còn gặp nhiều vướng mắc, đặt biệt là về vấn đề nhà, đất.

Ngoài ra, một số đơn vị khác chưa thoái vốn được vì thị trường không quan tâm, giá cao, thời điểm thực hiện thoái vốn thị trường chứng khoán không ổn định. Đặc biệt trong năm 2020, khi nền kinh tế chịu tác động bởi dịch COVID-19, thị trường đi xuống, các nhà đầu tư không quan tâm.

Về phương án thoái vốn tại CTCP DAP – Vinachem, ông Cường cho biết có thể thoái về dưới 51% hoặc có thể về 0%.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, thời gian tới Vinachem tiếp tục tái cơ cấu sắp xếp lại các nhóm, ngành hàng, những thứ liên quan đến thiết yếu về góp phần đảm bảo an ninh lương thực và ổn định sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp phân lân sẽ tạm thời giữ nguyên hoặc thoái vốn nhà nước giữ trên 51%. Ngược lại, sản phẩm điện khoáng, điện ắc quy, các đơn vị nhỏ lẻ có thể là thoái vốn toàn bộ.

Quốc Anh

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.