|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu công ty chứng khoán nào đang tụt lại phía sau trong đại sóng?

14:20 | 06/07/2021
Chia sẻ
Trong 34 cổ phiếu công ty chứng khoán đang giao dịch trên thị trường chỉ có 6 mã giảm giá trong ba tháng gần đây. Số này bao gồm ART, VIX, CSI, DSC, HAC và VIG.
Cổ phiếu công ty chứng khoán nào đang tụt lại phía sau trong đại sóng? - Ảnh 1.

Chứng khoán VIX lên sàn HOSE ngày 8/1/2021. (Ảnh: VIX).

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, trong ba tháng tính đến hết phiên 5/7 có 28 mã cổ phiếu công ty chứng khoán (CTCK) tăng giá, áp đảo hoàn toàn so với 6 mã giảm.

Bứt phá mạnh mẽ nhất là FTS của CTCP Chứng khoán FPT với tỷ lệ tăng 150%. Trong quý I năm nay, FTS nắm 3,5% thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tại HOSE, xếp thứ 9 toàn sàn. Ở HNX và UPCoM, công ty nắm lần lượt 4% và 4,5% thị phần, tương ứng xếp thứ 9 và thứ 6. Các sở giao dịch chưa công bố thị phần môi giới quý II.

Các CTCK lớn hơn với miếng bánh thị phần to hơn cũng có cổ phiếu trong top tăng giá. Cụ thể, SSI tăng 61% trong ba tháng qua với vốn hóa kết phiên 5/7 đạt trên 37.000 tỷ đồng. Hiện nay SSI là đại diện duy nhất của ngành chứng khoán Việt Nam có vốn hóa trên 1 tỷ USD.

VCI của Chứng khoán Bản Việt cũng vọt lên 77%, vốn hóa đạt trên 19.600 tỷ đồng. HCM của Chứng khoán HSC tăng 59%, vốn hóa đạt gần 16.200 tỷ.

VND của VNDirect tăng giá 129% trong giai đoạn 5/4 – 5/7. Đây cũng là giai đoạn VND tình nguyện chuyển sang giao dịch ở HNX để giảm tải cho hệ thống của HOSE. Biên độ dao động giá của HNX là 10%, lớn hơn so với mức 7% của HOSE.

Ở chiều ngược lại, nhóm chứng khoán ghi nhận 6 mã cổ phiếu giảm giá là DSC của Chứng khoán Đà Nẵng, HAC của Chứng khoán Hải Phòng, ART của Chứng khoán BOS (tiền thân là Chứng khoán Artex), VIG của Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VIX của Chứng khoán VIX và CSI của Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam.

Ngoại trừ VIX, các công ty còn lại đều có vốn hóa cũng như vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu công ty chứng khoán nào đang tụt lại phía sau trong đại sóng? - Ảnh 2.

Nhìn chung, giữa tốc độ tăng giá cổ phiếu và các nhân tố khác như giá trị vốn hóa, quy mô vốn điều lệ, ROA hay ROE đều có quan hệ cùng chiều, tuy nhiên giá trị hệ số tương quan tương đối thấp. Cụ thể, tương quan giữa mức tăng giá với vốn hóa là 0,26; với vốn điều lệ cũng là 0,26; với ROE là 0,38 và với ROA là 0,2.

Điều này có nghĩa là các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn, vốn hóa lớn, tỷ suất sinh lời trên vốn và sinh lời trên tài sản cao thường có giá cổ phiếu tăng mạnh hơn các công ty nhỏ, tuy nhiên chênh lệch không quá nhiều.

Tính theo công thức trung bình đơn giản, 34 mã cổ phiếu CTCK đã tăng khoảng 48% trong ba tháng qua. Nếu tính bình quân có trọng số là vốn điều lệ, tỷ lệ tăng giá là 59%. Nếu trọng số là vốn hóa, tỷ lệ tăng giá trung bình là 67%. Trong khi đó, chỉ số VN-Index chỉ tăng khoảng 14%, HNX-Index thêm 12,5% và UPCoM-Index chỉ thêm 9,2%.

Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.