|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu công nghệ toàn cầu bị bán tháo không đáng ngại, thậm chí còn là cơ hội mua bắt đáy?

16:10 | 25/05/2022
Chia sẻ
Các giám đốc điều hành và nhà đầu tư lớn đã bày tỏ thái độ lạc quan về đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ toàn cầu gần đây, khẳng định thị trường khó rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn.

Vững niềm tin vào cổ phiếu công nghệ

Kết phiên 23/5, chỉ số Nasdaq 100 đã sụt hơn 26% so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, ngay đầu tháng này, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, vốn hóa của các công ty công nghệ lớn nhất hành tinh đã bốc hơi hơn 1.000 tỷ USD chỉ trong ba phiên giao dịch.

Cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi kế hoạch thắt chặt chính sách của Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới trong bối cảnh lạm phát đang ở mức đỉnh hàng chục năm.

Sự sụt giảm đột ngột của các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng mạnh đã khiến một số chuyên gia lo ngại về một cú sập tương tự như bong bóng dotcom thập niên 2000. Khi thị trường đạt đỉnh vào cuối năm ngoái, cổ phiếu công nghệ đã bị đánh giá là sở hữu mức định giá quá cao.

 

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành và nhà đầu tư lớn tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ năm nay lại có quan điểm khá lạc quan về cổ phiếu công nghệ. Họ nói cú lao dốc của nhóm công nghệ khó có thể đẩy thị trường vào một cuộc khủng hoảng lớn.

Chia sẻ với CNBC, CEO Ralph Hamers của UBS bình luận: “Rõ ràng, có một số người thắc mắc giá trị thị trường thật sự của các công ty công nghệ là gì. Nhưng kinh doanh công nghệ là một mô hình kinh doanh thực thụ, không chỉ phục vụ cho hiện tại mà còn cho tương lai, về mặt dịch vụ, lời khuyên,…”

“Đó là một xu hướng được hỗ trợ bởi nhân khẩu học và được thúc đẩy bởi sự thay đổi hành vi của khách hàng. Vì vậy, cho dù đó là dịch vụ tiêu dùng hay dịch vụ tài chính, tôi vẫn tin tưởng rằng kinh doanh công nghệ là mô hình phù hợp cho tương lai, vì chúng là mô hình có thực”, ông Hamers tiếp tục.

Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng tâm lý của nhà đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ đang ở mức tồi tệ nhất kể từ bong bóng dotcom, cơ hội dài hạn cho các nhà đầu tư vẫn còn đó.

“Thị trường không giống như 20 năm [trong bong bóng dotcom]. Khi xưa chúng ta từng chứng kiến một số mô hình chỉ nằm trên giấy, không có thật”, CEO Hamers cho hay. “Song trong 20 năm qua, những thay đổi thực thụ đã diễn ra ở các công ty bản lẻ, tài chính,… Xu hướng đó sẽ không dừng lại vì những gì chúng ta thấy hiện tại”.

 

Nhận xét của ông Hamers có phần tương đồng với ý kiến của Chủ tịch Credit Suisse - Axel Lehmann hồi đầu tuần. Ông Lehmann khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ vững lập trường dài hạn bất chấp sự “rung chuyển” tạm thời của cổ phiếu công nghệ, vì nhiều công ty trong ngành vẫn hoạt động rất ổn định.

“Về cơ bản, mức định giá của các công ty công nghệ ở tất cả các thị trường đã giảm xuống, nhưng lợi nhuận của họ vẫn còn đó”, Chủ tịch Credit Suisse nhấn mạnh. Ông lưu ý, dù nhóm công nghệ hiện nay có một số điểm tương đồng với bong bóng dotcom, các xu hướng cơ bản của ngành vẫn đang rất vững mạnh.

“Rất nhiều công ty có thể sẽ biến mất, nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng các xu hướng chủ đạo sẽ bị xóa sổ, công nghệ và số hóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Là lãnh đạo doanh nghiệp, tất cả chúng ta đều nên hết sức lưu tâm tới những mô hình kinh doanh mới này”, ông Lehmann nói thêm.

Cơ hội mua bắt đáy

Ở chia sẻ khác, ông David Rubenstein - nhà đầu tư tỷ phú kiêm đồng sáng lập công ty cổ phần tư nhân Carlyle Group, cho rằng thị trường đã “phản ứng thái quá” bất chấp nỗ lực kiểm soát kỳ vọng của Fed.

“Khi thị trường sập vào các năm 1999, 2000 và 2001, các công ty internet thời đó không có doanh thu hay lợi nhuận rõ ràng. Trong một số trường hợp, họ không có gì ngoài một kế hoạch kinh doanh. Những công ty đó không nên niêm yết làm gì”, ông Rubenstein nhấn mạnh.

“Giờ đây, bạn có những công ty như Netflix, với 250 triệu người đăng ký trên toàn cầu. Cổ phiếu Netflix có thể không đáng giá như vài tháng trước, nhưng theo quan điểm của tôi thì Netflix vẫn có tiềm năng hơn so với bây giờ”, nhà đầu tư tỷ phú cho hay.

Theo lời ông Rubenstein, khi thị trường “phản ứng thái quá” như bây giờ, nhà đầu tư sẽ có cơ hội nhảy vào “mua bắt đáy”. Tính tới thời điểm hiện tại, cổ phiếu Netflix đã giảm gần 69%, trong khi gã khổng lồ Amazon mất hơn 35%.

“Nhiều công ty có cổ phiếu đi xuống thời gian gần đây vẫn là những doanh nghiệp tốt…Tôi nghĩ chúng ta có thể mua vào ở thời điểm này”, nhà sáng lập Carlyle Group cho hay.

Cũng bất chấp sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu công nghệ, CEO Jan Fraser của Citigroup nói đà bán tháo, nhìn từ góc độ của ngân hàng Phố Wall này, rất “có trật tự”. Bà nói: “Nhà đầu tư không tháo chạy theo cách họ từng làm trong các cuộc khủng hoảng tài chính hay như vào năm 2020”.

Một lý do khác

Theo ông Maurice Levy, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn quảng cáo nước Pháp Publicis Groupe, một phần lý do khiến định giá của các cổ phiếu công nghệ giảm mạnh trong năm nay là do tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của họ trong những năm gần đây.

“Lĩnh vực công nghệ tăng trưởng trung bình 30 - 50% và khi các công ty chỉ tăng trưởng 25% hoặc 15%, thị trường sẽ thất vọng và khi đó bạn sẽ thấy giá cổ phiếu đi xuống”, ông Levy chia sẻ với CNBC.

“Vì vậy, chúng ta không nên xem công nghệ như thước đo vì kỳ vọng vào lĩnh vực này là rất cao. Nhà đầu tư nên tương đối bình tĩnh khi nhìn vào những con số lợi nhuận và với tầm nhìn xa hơn, ông khuyến nghị thêm.

Khả Nhân