Cổ phiếu cao su có tăng bền vững?
“Con sóng” tăng giá đó liệu có kéo dài, nói đúng hơn, giá cao su tự nhiên đã thực sự đi lên từ đáy?
Lợi nhuận tăng trưởng, nhưng…
Theo thống kê của Báo Đấu thầu, hiện có 5 doanh nghiệp (DN) cao su tự nhiên đang niêm yết bao gồm: Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR), Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Hòa Bình (HRC), Cao su Thống Nhất (TNC) và Cao su Tây Ninh (TRC). Chúng tôi không phân tích Cao su Quảng Nam (VHG) với lý do công ty này đang hướng đến lĩnh vực bất động sản hơn là mảng kinh doanh truyền thống.
Trong 5 DN cao su, 9 tháng đầu năm, có 3 DN tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2015 là Cao su Phước Hòa, Cao su Thống Nhất và Cao su Tây Ninh. Tuy nhiên, trừ Cao su Thống Nhất ra, 2 DN còn lại đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao (Cao su Phước Hòa lãi 133 tỷ đồng, tăng 82,7%; Cao su Tây Ninh lãi 38,3 tỷ đồng, tăng 31,5%) hầu hết dựa vào hoạt động khác. Với các DN cao su, lợi nhuận hoạt động khác thông thường là bán gỗ cao su (còn gọi là thanh lý cây cao su).
Cao su Phước Hòa, trong 9 tháng đầu năm 2016, đã thu về tới 111 tỷ đồng doanh thu thanh lý cây cao su; Cao su Tây Ninh thu 18,3 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định và 1,3 tỷ đồng từ cây cao su gãy đổ.
Riêng Cao su Thống Nhất lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tài chính. Lãi gộp thu được của Công ty 9 tháng đầu năm chỉ ở mức 2 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính (chủ yếu là cổ tức được chia) lên tới 22,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Cao su Thống Nhất đạt 21 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2015.
Cao su Đồng Phú và Cao su Hòa Bình là 2 doanh nghiệp cao su khá tên tuổi, nhưng trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận lần lượt giảm sâu 42,8% và 73,7% so với cùng kỳ 2015, đạt 87 tỷ đồng và 7,6 tỷ đồng.
Trên thực tế, giá cao su trên thị trường đang ở vùng cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Đóng cửa phiên giao dịch 14/11/2016, giá cao su giao kỳ hạn trên sàn Tocom đạt mức 203,6 Yên/kg, giảm 2,35% từ mức đỉnh 208,5 Yên/kg vừa thiết lập trước đó.
Tuy nhiên, đó là mức giá mới đây. 9 tháng đầu năm 2016, Cao su Phước Hòa bán cao su với mức giá bình quân 30,32 triệu đồng/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2015. Mức giá cao su bán ra khá tương đồng tại các doanh nghiệp cao su trong nước.
Giá cao su tăng trưởng đã “vững”?
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc giá cao su tăng trưởng trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân được chú trọng nhất là mối quan hệ với giá dầu mỏ. Sau khi OPEC thông báo cắt giảm sản lượng dầu mỏ khai thác, giá dầu thô thế giới nhúc nhích tăng. Giá dầu tăng kéo theo giá cao su tự nhiên tăng. Đã có dự đoán cho rằng giá dầu sẽ hướng tới mục tiêu 60 USD/thùng. Tuy nhiên, diễn biến giá dầu trong thời gian gần đây có vẻ không lạc quan đến vậy.
Cổ phiếu của các DN cao su tự nhiên đã tăng trưởng tương đối mạnh trong nửa năm qua dường như “neo” vào giá cao su hơn là kết quả kinh doanh thực sự. |
Đóng cửa phiên giao dịch 14/11/2016, giá dầu thô ở mức 44,66 USD/thùng. Trong 1 năm trở lại đây, mặc dù có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, giá dầu chưa bao giờ đạt ngưỡng 55 USD/thùng. Gần đây, theo dự đoán của Forbes, đà tăng của giá dầu sẽ tiếp tục gặp những trở ngại do kỳ vọng về việc cắt giảm sản lượng của OPEC đang dần trở nên mờ nhạt. Theo báo cáo, sản lượng khai thác từ các thành viên OPEC như Iran, Libya, Iraq và Nigieria đã tăng thay vì giảm như đã tuyên bố. Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng đang sẵn sàng đưa các giàn khoan trở lại, hứa hẹn sản lượng toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới.
Forbes còn đưa ra dự đoán u ám về giá dầu rằng mức giá của sản phẩm này đang hướng về mốc 20 USD/thùng.
Với những dự đoán này, liệu giá cao su tăng trưởng đã thực sự vững vàng?
Cổ phiếu của các DN cao su tự nhiên đã tăng trưởng tương đối mạnh trong nửa năm qua dường như “neo” vào giá cao su hơn là kết quả kinh doanh thực sự.