Cổ phiếu bất động sản tăng dựng đứng, nhiều mã có thị giá vượt 100.000, 200.000 đồng
Với sự trở lại của nhóm bluechips, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên xác lập kỷ lục mới khi chính thức chạm mốc 1.423,02 điểm nhờ cú "bứt tốc" hơn 31 điểm. VN-Index đã có một phiên vượt đỉnh thuyết phục với sự hỗ trợ của khối ngoại khi quay lại mua ròng mạnh mẽ.
Thanh khoản phiên 27/10 cũng tăng đáng kể gần 21% so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình một tháng gần đây. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tích cực khi số mã tăng áp đảo số mã giảm. Sắc xanh bao phủ nhóm cổ phiếu VN30, đặc biệt phải kể đến GAS tăng trần trong phiên.
Gần như tất cả các ngành đều ghi nhận giao dịch tích cực, trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản đóng góp lớn nhất cho chiều tăng của VN-Index với hơn 8 điểm. Trong phiên, nhiều cổ phiếu nhóm này cũng gây chú ý với mức tăng phi mã, đưa thị giá vượt ngưỡng 100.000 đồng, 200.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.
Cụ thể, cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) - công ty con do Tập đoàn Vingroup nắm 83,3% vốn đã vượt qua THD của CTCP Thaiholdings để trở thành mã có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán. Sau khi tăng hơn 6,52% trong phiên 27/10, VEF tạm dừng ở mức giá 240.000 đồng/cp và tăng 81% kể từ đầu tháng 10.
Bên cạnh diễn biến tích cực trên thị trường cổ phiếu, VEFAC mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 89,5 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đà tăng của lợi nhuận chủ yếu đến từ lãi cho vay, đầu tư tăng mạnh từ 68,9 tỷ đồng lên 116,8 tỷ đồng khiến doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh.
Kế đó, cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14 thậm chí tăng kịch trần 10% lên mức đỉnh mới 172.700 đồng/cp. Tương tự như VEF, đà tăng của L14 xuất hiện mạnh nhất kể từ đầu tháng 10 đưa thị giá mã này tăng hơn 90% chỉ sau gần một tháng.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III, L14 báo lãi sau thuế 14,89 tỷ đồng, tăng hơn 49% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ khoản doanh thu tài chính tăng mạnh từ 4,2 tỷ đồng lên 12,2 tỷ đồng nhờ tăng thu lãi tiền gửi trong kỳ.
Tiếp sau đó, cổ phiếu CSC của CTCP Tập đoàn COTANA cũng tạo đỉnh mới sau khi tăng hơn 52% kể từ đầu tháng, kết phiên 27/10 ở mức 110.000 đồng/cp.
Thành viên mới nhất góp mặt vào nhóm cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp là HDC của CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi kết phiên 27/10 ở mức 100.000 đồng/cp. Mã này cũng tăng 35% so với phiên đầu tháng và tăng 170% kể từ đầu năm.
Theo BCTC hợp nhất quý III, HDC ghi nhận doanh thu thuần tăng 45% so với cùng kỳ, đạt 281 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng nhẹ hơn giúp lãi gộp tăng vọt 91% lên gần 101 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp bất động sản này báo lãi ròng gần 68 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Cổ phiếu bất động sản còn triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm?
Đánh giá triển vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm của nhóm doanh nghiệp bất động sản, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định đây là ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm do quý IV thường là mùa hạch toán ghi nhận doanh thu các dự án bất động sản và yếu tố vĩ mô thuận lợi khi đầu tư cơ sở hạ tầng là mục tiêu chính trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn tới năm 2030.
Tuy vậy, sự phân hóa trong nhóm này sẽ tiếp tục diễn ra khi các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và dự án chất lượng ghi nhận mức tăng trưởng về giá và lợi nhuận vượt trội so với ngành. Tại thời điểm này nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tốt khi kỳ vọng của ngành được nối dài sau khi dịch bệnh lắng xuống và mùa bàn giao sản phẩm và ghi nhận lợi nhuận dự án vào cuối năm sắp diễn ra.