|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu bất động sản sàn hàng loạt, nhóm ngân hàng thăng hoa: Kẻ khóc, người cười

21:17 | 03/11/2021
Chia sẻ
Sau sóng tăng kể từ đầu tháng 10, nhóm cổ phiếu bất động sản đảo chiều trở thành gánh nặng kéo tụt chỉ số trong phiên 3/11. Diễn biến trái ngược, nhóm ngân hàng bất ngờ trở thành lực đỡ cho thị trường khi ghi nhận sự bùng nổ cả về giá và thanh khoản.

Trái với nhận định của các công ty chứng khoán về việc thị trường sẽ duy trì đà tăng và VN-Index tiếp tục xác lập mức kỷ lục mới, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 3/11 đã không giữ được sắc xanh kể từ cuối phiên sáng. Mặc dù lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp chỉ số không đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, VN-Index vẫn giảm 8,16 điểm (0,56%) về mức 1.444,3 điểm.

Thanh khoản vọt lên mức cao nhất trong lịch sử với giá trị giao dịch đạt gần 52.150 tỷ đồng, tương đương hơn 1,9 tỷ đơn vị cổ phiếu được mua bán. Thanh khoản sàn HOSE cũng đạt kỷ lục mới với 43.209 tỷ đồng, tương đương gần 1,9 tỷ USD. Việc thanh khoản tăng lên mức cao kỷ lục cho thấy tâm lý hoảng loạn và sẵn sàng chốt lời của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư khi thị trường biến động.

Cổ phiếu bất động sản đảo chiều, nhóm ngân hàng soán ngôi

Dưới áp lực chốt lời đồng loạt xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền rút mạnh khỏi các cổ phiếu bất động sản - nhóm đã ghi nhận đà tăng liên tiếp kể từ đầu tháng 10. Nhận thấy dấu hiệu thu hẹp đà tăng của chỉ số, cộng với tâm lý hồi hộp chờ đợi nhịp điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng nóng, không ít nhà đầu tư đã vội vàng chốt lời các cổ phiếu trong danh mục, dẫn tới tình trạng bán tháo ồ ạt trên sàn.

Theo quan sát, phần lớn cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng đồng loạt giảm sàn về cuối phiên chiều. Trong đó, không ít cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng "khủng" chỉ trong một tháng vừa qua.

Đơn cử như cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14 đã giảm mạnh từ mức trần 264.700 đồng/cp và đóng cửa ở 216.700 đồng/cp, "bốc hơi" 9,97% giá trị trong phiên 3/11. Đáng chú ý, trước khi lao dốc, mã này đã ghi nhận mức tăng hơn 165% kể từ đầu tháng 10, là mã có thị giá cao nhất tại HNX và cao thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hay như cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng điểm liên tiếp bằng phiên giảm sàn với mức thanh khoản lên tới 23,2 triệu cổ phiếu, gấp gần 3 lần mức trung bình trong 1 tháng vừa qua. Trước đó, cổ đông DIG từng hồ hởi khoe lãi khi mã này tăng thêm 87% giá trị chỉ sau 1 tháng và vượt ngưỡng vốn hóa tỷ USD.

Bên cạnh đó, danh sách giảm sàn còn kéo dài với hàng loạt đại diện như HDC, HDG, KBC, HQC, ITA, SZC, NLG, TIP, NLG, LDG, SCR, HBC,...

Cổ phiếu bất động sản sàn hàng loạt, nhóm ngân hàng thăng hoa: kẻ khóc, người cười - Ảnh 1.

Hai thái cực đối lập trên thị trường chứng khoán phiên 3/11. (Ảnh chụp màn hình).

Trái lại, nhóm ngân hàng lại mang một gam màu vô cùng khác biệt khi ghi nhận giao dịch bùng nổ trong phiên. Trái với những phiên trước, cổ phiếu của các nhà băng trở thành lực đỡ giúp chỉ số không giảm quá sâu khi dòng tiền ồ ạt bán ra. Top10 cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index lần lượt xướng tên TCB, BID, VPB, HDB, VCB, CTG, MBB, OCB, STB,...

Trong đó, hai mã ngân hàng OCB và LPB gây chú ý khi tăng kịch biên độ lên lần lượt 28.800 đồng/cp và 22.850 đồng/cp. Bên cạnh đó, thanh khoản trong phiên của hai mã này cũng tăng lên mức kỷ lục với hơn 18,3 triệu và gần 21,6 triệu đơn vị, cao nhất trong gần 3 tháng gần đây.

Trên thị trường UPCOM, cổ phiếu NAB tăng 8,2% lên 22.400 đồng/cp, khối lượng giao dịch cao nhất kể từ khi lên sàn với gần 1,7 triệu đơn vị. PGB cũng tăng 7,9% lên 26.000 đồng/cp, với khối lượng giao dịch cao nhất trong gần nửa năm.

Ở những mã còn lại, sắc xanh bao phủ với nhiều mã tăng mạnh như VBB (6,59%), HDB (6,25%), MSB (6,17%), BVB (5,61%)...

Nhà đầu tư chia hai thái cực, cổ phiếu bất động sản có còn triển vọng?

Khác với sự sôi nổi của trong những phiên trước, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngành địa ốc bao trùm bởi tâm lý lo lắng. Quan sát trong phiên, không ít nhà đầu tư đã chia sẻ trạng thái nuối tiếc khi không sớm chốt lời khoản đầu tư của mình. 

Nhóm còn lại tỏ ra lo sợ khi số cổ phiếu mới mua còn chưa về tài khoản. Một vài nhà đầu tư nhanh tay còn hào hứng khoe: "Đã bán hết cổ phiếu bất động sản và mua full cổ ngân hàng, lòng đầy lo âu".

Ghi nhận tại một diễn đàn chứng khoán lớn, vẫn có không ít người giữ quan điểm tích cực. "Quan điểm của tôi là sóng bất động sản sẽ kéo dài tới hết năm 2022. Dòng bất động sản mà sập thì tốt nhất rút tiền ra khỏi chứng khoán chứ đừng mong dòng nào chạy được", một nhà đầu tư chia sẻ. 

Tuy vậy, nhìn sang các nhóm cổ phiếu ngân hàng, tâm lý nhà đầu tư có phần tích cực hơn nhiều khi danh mục của mình đi ngược thị trường sau một thời gian dài yên ắng. Nhiều nhà đầu tư cho hay đã không ngần ngại gia tăng tỷ trọng cổ phiếu của các nhà băng để chuẩn bị cho nhịp chạy sắp tới.

Sự ngược dòng của nhóm ngân hàng kết hợp với kết quả kinh doanh trong quý III tích cực hơn dự báo đã giúp tâm lý nhà đầu tư thêm phần hồ hởi.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, sau nhịp điều chỉnh từ vùng đỉnh, VN-Index sẽ có cơ hội hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.420 điểm. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì chiều mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và giảm dần tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong danh mục của mình.

Trong báo cáo triển vọng thị trường mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) duy trì quan điểm khả quan đối với nhóm cổ phiếu bất động sản trong nửa cuối năm 2021 dựa trên ba yếu tố.

Thứ nhất là điểm rơi lợi nhuận ngành thường nằm ở quý III và quý IV. Thứ hai là môi trường lãi suất thấp và các gói tài chính linh hoạt sẽ là đòn bẩy hỗ trợ cho sự phục hồi của ngành.

Yếu tố cuối cùng là triển vọng từ việc các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh bán hàng trong những tháng cuối năm thông qua nhiều hình thức trực tuyến (online) cũng như trực tiếp (offline) sau thời gian dài giãn cách.

Thảo Bùi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.