|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phần của Bộ Công Thương tại 2 'ông lớn' ngành bia tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng

14:29 | 18/12/2016
Chia sẻ
Nhờ giá cổ phiếu tăng tối đa biên độ giao dịch liên tục kể từ khi niêm yết, thị giá cổ phiếu của Sabeco và Habeco đều vượt trên 225.000 đồng, trở thành cổ phiếu đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán.

Tính đến kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, thị giá của cổ phiếu Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (Mã CK: BHN) được niêm yết trên HNX đã đạt 225.800 đồng mỗi cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (Mã CK: SAB) đạt 225.000 đồng mỗi cổ phiếu.

Kết quả trên đã đưa BHN và SAB trở thành những cổ phiếu đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán, vượt xa đối thủ đứng sau là cổ phiếu BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh với thị giá 195.000 đồng và cổ phiếu TV2 của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 với thị giá gần 193.000 đồng.

co phan cua bo cong thuong tai 2 ong lon nganh bia tang them hon 100000 ty dong

Cổ phiếu của Sabeco và Habeco trở thành cổ phiếu đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán.

Kết quả trên có được nhờ việc tăng trần liên tục chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên sàn của hai cổ phiếu BHN và SAB. So với mức giá tham chiếu ngày đầu tiên giao dịch lần lượt là 39.000 đồng (BHN) và 110.000 đồng (SAB), thị giá hiện nay của các cổ phiếu này đã gấp gần 6 lần và 2 lần, đưa giá trị vốn hóa của Habeco lên gần 43.000 tỷ đồng và Sabeco lên gần 130.000 tỷ đồng.

Với sở hữu hơn 574 triệu cổ phiếu tại Sabeco (89,59%) và gần 190 triệu cổ phiếu tại Habeco (81,79%), quy mô cổ phần do Bộ Công Thương nắm giữ đã tăng thêm 101.485 tỷ đồng tính đến kết thúc phiên giao dịch ngày 16/12 so với thời điểm hai doanh nghiệp giữ thị phần lớn nhất ngành bia chào sàn.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc cổ phiếu SAB và BHN liên tục tăng trần trong thời gian ngắn sau khi niêm yết cũng không khó giải thích do kỳ vọng từ việc thoái vốn toàn bộ của Bộ Công Thương và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên thị trường là rất thấp. Trước đó, trên thị trường không chính thức (OTC) cổ phiếu của hai "ông lớn" ngành bia liên tục được đẩy giá do nhu cầu cao từ nhà đầu tư.

Theo lộ trình, Bộ Công Thương dự kiến sẽ thoái toàn bộ 81,79% vốn đang nắm giữ tại Habeco trong năm 2016.

Riêng lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 sẽ thoái 53,59% vốn điều lệ trong 2016 và đợt thứ 2 sẽ thoái tiếp 36% còn lại trong 2017.

Tuy nhiên, theo trả lời của lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương mới đây, quá trình bán vốn tại Habeco vẫn chưa ngã ngũ do việc đàm phán "rất rắc rối và phải xử lý khéo". Cụ thể, Habeco và Carlsberg đã có buổi làm việc nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất. Habeco đã họp tiếp với Tổ tư vấn và sẽ phải đàm phán tiếp.

Đối với Sabeco, theo thông tin từ Wall Street Journal, Chính phủ Việt Nam đã mời các ngân hàng đầu tư quốc tế tham gia tư vấn cho thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.

Theo ông Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, thương vụ bán cổ phần ở Sabeco sẽ được khởi động vào tháng 4/2017.

Minh Sơn