|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Có nhiều “hàng Việt” không rõ... do ai sản xuất

06:59 | 31/10/2016
Chia sẻ
Trong các chương trình này đã xuất hiện những mặt hàng chưa rõ có phải do DN trong nước sản xuất hay không, hay là hàng của DN nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, hoặc liên doanh sản xuất.

Nhiều mặt hàng chưa rõ có phải là hàng Việt hay không nhưng lại được bán theo chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Đó là phản ánh của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP.HCM với đoàn kiểm tra trung ương về thực hiện cuộc vận động này tại TP.HCM ngày 29/10.

Ông Nguyễn Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM cho biết, các chương trình bán hàng Việt trong chuỗi hoạt động của cuộc vận động đã thúc đẩy doanh số bán hàng của các doanh nghiệp (DN) trong nước.

Tuy nhiên, do tác động tích cực đến doanh số nên trong các chương trình này đã xuất hiện những mặt hàng chưa rõ có phải do DN trong nước sản xuất hay không, hay là hàng của DN nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, hoặc liên doanh sản xuất. Cần làm rõ vấn đề này để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc vận động.

co nhieu hang viet khong ro do ai san xuat

Ông Phong cũng cảnh báo, nhiều mô hình kinh doanh đa cấp, hay các kênh thương mại điện tử cũng đang lợi dụng chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để bán những mặt hàng không đúng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín hàng Việt.

Cùng chung quan điểm, bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP.HCM kiến nghị, ban chỉ đạo trung ương cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về nhận diện hàng Việt để người tiêu dùng hiểu rõ thế nào là hàng Việt, giúp các DN TP.HCM xây dựng thương hiệu quốc gia, đồng thời cần giao cho cơ quan chức năng cụ thể công bố hàng hóa nào an toàn hay không an toàn.

Bà Dung cũng đề nghị trung ương cần tăng cường quản lý về thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng hàng hóa, nói rõ đơn vị nào có đủ thẩm quyền kiểm tra và công bố chất lượng thông tin sản phẩm, tránh việc thông tin sai lệch như vụ việc nước mắm nhiễm asen vừa qua.

Theo báo cáo về kết quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP.HCM, tính đến tháng 10/2016, TP.HCM có 40 trung tâm thương mại, 187 siêu thị, 240 chợ truyền thống, gần 882 cửa hàng tiện lợi và 10.304 điểm bán hàng bình ổn giá, phủ rộng khắp các địa bàn, đặc biệt tại các khu vực vùng ven, ngoại thành và các khu chế xuất, khu công nghiệp phục vụ công nhân và người lao động.

Việc phát triển mạnh hệ thống phân phối đã tạo điều kiện cho DN sản xuất trong nước có cơ hội mở rộng thị trường, hàng Việt tại các hệ thống phân phối chiếm tỷ lệ cao (80 - 90%), người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn, tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước.

Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành tiếp tục tạo điều kiện cho DN có cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường cho DN của TP.HCM và các tỉnh thành, tạo sự gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, xử lý kịp thời những biến động thị trường, góp phần tạo sự ổn định chung về mặt bằng giá cả hàng hóa.

Kể từ khi triển khai chương trình, các DN TP.HCM đã tham gia 132 hội chợ, triển lãm tổ chức tại các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ; riêng TP.HCM đã tạo điều kiện, hỗ trợ DN các tỉnh, thành tham gia 989 hội chợ, triển lãm được tổ chức tại TP.HCM.

Qua chương trình bình ổn thị trường, TP.HCM đã tổ chức hơn 820 chuyến bán hàng lưu động, tập trung vào hai tháng trước tết Nguyên đán và tăng tần suất phục vụ vào các ngày cao điểm. Ngoài ra, riêng Sài Gòn Co.op còn thực hiện hơn 600 chuyến bán hàng lưu động để hỗ trợ 36 tỉnh, thành trên cả nước bình ổn thị trường, với tổng giá trị hàng hóa hơn 30 tỷ đồng.

Đăng Thư