|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Có nên cho phá sản ngân hàng quá yếu kém để làm gương?

14:07 | 20/10/2016
Chia sẻ
Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ráo riết tái cơ cấu, song không ít ngân hàng yếu kém chưa được xử lý triệt để. Đây chính là gánh nặng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới. Các chuyên gia nêu ý kiến, về lâu dài, có lẽ, Ngân hàng Nhà nước cũng phải cho phá sản vài ngân hàng quá yếu kém để làm gương.

Còn nhiều ngân hàng yếu kém

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2016. Theo nhận định của cơ quan này, hiện tại, một số tổ chức tín dụng vẫn là nơi tập trung của nợ xấu và lãi dự thu của toàn hệ thống.

Cụ thể, nợ xấu của 19 tổ chức tín dụng chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống. Đặc biệt, lãi dự thu (đa phần lãi dự thu có khả năng biến thành nợ xấu) của riêng 9 tổ chức tín dụng đã chiếm 61,7% tổng lãi dự thu của toàn hệ thống. Rõ ràng, 9 hay 19 tổ chức tín dụng này đang là mắt xích yếu kém của hệ thống ngân hàng hiện nay.

co nen cho pha san ngan hang qua yeu kem de lam guong

Xử lý ngân hàng yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu ngân hàng. Ảnh: Chí Cường

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét, tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian qua đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt là đã giúp hệ thống thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn những tồn tại chưa khắc phục được hoàn toàn, đặc biệt là vẫn còn những ngân hàng yếu kém, quy mô nhỏ, tập trung phần lớn nợ xấu của hệ thống.

Theo nhận xét của ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong số 9 ngân hàng tái cơ cấu bắt buộc đợt 1, ngoại trừ TPBank thành công, còn hầu hết đang rất khó khăn.

Thực tế, ngoài các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc đợt 1 và vẫn đang gồng sức tái cơ cấu như SCB, GPBank, NCB, CB…, nhiều trường hợp yếu kém khác đã xuất hiện như DongA Bank, Eximbank, Ocean Bank… Riêng với 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng (CB, GPBank, Ocean Bank), việc xử lý vẫn đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian, công sức của Ngân hàng Nhà nước.

Nên xem xét cho ngân hàng phá sản

Xử lý ngân hàng yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiệm vụ đó vẫn chưa hoàn thành.

Nhiều ý kiến cho rằng, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng hay cho các ngân hàng yếu thêm thời gian để xử lý nợ, tránh đổ vỡ hệ thống là cần thiết. Tuy nhiên, với những ngân hàng “độc hại” mà các ông chủ không có thiện chí xử lý, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên cho phá sản, đồng thời xử lý trách nhiệm cá nhân.

“Với những ngân hàng quá lớn, đã âm vốn, Ngân hàng Nhà nước không nên tiếp tục mua lại với giá 0 đồng vì vẫn mất chi phí xử lý. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước nên cho phá sản. Việc cho phá sản ngân hàng cũng sẽ khiến người dân phải lựa chọn ngân hàng tốt để gửi tiền, giảm sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

Liên quan vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, với 3 ngân hàng 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước chịu tổn thất tài chính là chắc chắn. Dạng tổn thất thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cho 3 ngân hàng này phá sản và Ngân hàng Nhà nước đứng ra trả tiền gửi cho người dân. Dạng tổn thất thứ hai, Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng và đứng ra gánh toàn bộ nợ, bù lỗ để các ngân hàng này hoạt động. Chưa biết loại tổn thất nào lớn hơn, song phương án mua 0 đồng đã giữ được uy tín, niềm tin của người gửi tiền, tránh sự đổ vỡ lây lan của toàn hệ thống.

Dù vậy, với các ngân hàng 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước cần tuyệt đối tránh “mua để đấy”, mà cần phải có đề án tái cơ cấu riêng theo hướng bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc sáp nhập với ngân hàng khác. “Đề án này đến nay tôi vẫn chưa thấy rõ ràng”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.

Chuyên gia này cũng tán thành với quan điểm cho rằng, thời gian tới, nên xem xét phá sản ngân hàng.

“Với những ngân hàng quá yếu kém, trước hết, phải thu hẹp dần cả huy động và cho vay một cách nhẹ nhàng để dân chúng không hoang mang lo sợ và xử lý dần dần. Về lâu dài, có lẽ, Ngân hàng Nhà nước cũng phải cho phá sản vài ngân hàng quá yếu kém để làm gương”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Theo Hà Tâm