Cơ hội và thách thức nào cho ngành gạo Việt Nam?
Hàng loạt chính sách thúc đẩy ngành gạo
Theo đó, Chính phủ, các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tập trung chỉ đạo nhằm đảm bảo An ninh lương thực.
Hiện nay Chính phủ đang tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng gạo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Cơ hội và thách thức nào cho ngành gạo Việt Nam? |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo.
Theo đó, bên cạnh tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng và khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định 1898. Mục tiêu tổng quát là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, ngoài các chính sách, hiện nay các hiệp định song phương, đa phương đã được ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác và phát triển. Trình độ Khoa học công nghệ đã phát triển ở mức cao, công nghệ 4.0 có thể áp dụng trong sản xuất lúa gạo.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây hứa hẹn là hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn sản xuất các sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo”.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình sản xuất an toàn đã đáp ứng được các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cạnh tranh ngày một gay gắt
Song song với cơ hội, gạo Việt Nam còn phải đối mặt với tác động xấu của biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên xây ra với tần xuất và cường độ ngày càng tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng.
Ngoài ra, canh tranh toàn cầu trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo ngày càng gia tăng, đặc biệt cạnh tranh về chất lượng và giá trị.
Tại Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam được tổ chức hôm 10/10, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho hay, các nước xuất khẩu gạo khác đang phát triển khoa học công nghệ, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh.
Cùng lúc, các nước nhập khwru cũng đang nỗ lực tự cung tự cấp, đa dạng hóa nguồn cung và yêu cầu cao hơn về chất lượng. Đây là hai yếu tố cộng hưởng tạo nên sức ép cạnh tranh lớn đối với gạo Việt Nam.