|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội tăng xuất khẩu gạo sang Hong Kong là hoàn toàn khả thi

10:16 | 05/11/2019
Chia sẻ
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ hai vào Hong Kong, chỉ sau Thái Lan. Đặc biệt tiềm năng xuất khẩu vẫn còn rất lớn khi gạo Việt đang được khá ưa chuộng tại thị trường này.

Thông tin tại Hội thảo Kết nối giao thương mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp Việt Nam – Hong Kong năm 2019 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức ngày 4/11 tại TP HCM cho biết xuất khẩu gạo tháng 9/2019 sụt giảm 20,4% về lượng và 21,7% về giá trị so với tháng 8/2019, đạt 479.363 tấn, tương đương 210,94 triệu USD.

Tuy nhiên so với cùng tháng năm 2018 thì tăng hơn 33% về lượng và tăng 21,3% về kim ngạch. Giá xuất khẩu gạo trong tháng 9/2019 đạt trung bình 440 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng liền kề trước đó và giảm gần 9% so với tháng 9/2018.

Cộng chung cả 9 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu gạo của cả nước đạt 5,06 triệu tấn, thu về 2,2 tỉ USD, tăng 3,4% về lượng nhưng giảm 10,4% về kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2018. Giá xuất khẩu trung bình đạt 435,6 USD/tấn, giảm 13,4%.

Đáng chú ý, Hong Kong là một trong những thị trường có sự tăng trưởng nổi bật với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 94.600 tấn, trị giá hơn 48,6 triệu USD, tăng gần 47% về lượng và hơn 32,7% về giá trị.

1219af0e5af3bcade5e2

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết: "Trong những năm gần đây, Hong Kong và Việt Nam đã cùng nhau xây dựng được mối quan hệ hiệu quả đối với ngành công nghiệp thương mại lúa gạo. 

Hong Kong luôn giữ vị thế hàng đầu trong những thị trường nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam".

Đồng quan điểm, ông Benjamin Lu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong, cho biết người dân Hong Kong đánh giá cao chất lượng gạo Việt Nam vì thơm, ngon và ăn không gây tăng cân.

Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu nhiều thứ hai vào Hong Kong, chỉ sau Thái Lan. Thậm chí năm 2013, lượng gạo Việt Nam nhập khẩu vào Hong Kong vươn lên con số 137.000 tấn, chỉ ít hơn lượng gạo Thái Lan nhập vào thị trường này có 10.000 tấn, ông Lu nói.

Tuy nhiên, sau đó có sự sụt giảm, đến năm 2018, Hong Kong chỉ nhập khẩu 76.000 tấn gạo Việt Nam, tương đương 25% lượng gạo nhập của vùng lãnh thổ này. 

Riêng 9 tháng đầu năm 2019, lượng gạo Việt Nam nhập vào Hong Kong là 65.000 tấn, tăng 14% so với cùng kì năm ngoái.

Thị trường Hong Kong ưa chuộng các loại gạo thơm của các nước, sau đó mới đến gạo trắng và các loại khác. Đáng chú ý, trong cơ cấu gạo Việt Nam xuất sang Hong Kong, gạo thơm chiếm tới 90% tổng sản lượng gạo.

50819c90696d8f33d67c

Hội thảo Kết nối giao thương mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp Việt Nam – Hong Kong năm 2019 diễn ra ngày 4/11 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong cho biết thêm thị trường nhập khẩu gạo Hong Kong có tính cạnh tranh rất cao. Nếu năm 2003 chỉ có 86 doanh nghiệp nhập khẩu gạo thì tới 2019 con số này đã tăng gần ba lần, lên 232 doanh nghiệp.

"Như vậy miếng bánh thị trường gạo Hong Kong vẫn giữ nguyên từ 2013 đến nay nhưng số lượng người chia sẻ miếng bánh này rất nhiều. Do đó, phần chia này càng ngày sẽ càng nhỏ", ông Lu nhận định

Tuy nhiên, Hong Kong phụ thuộc toàn phần vào gạo xuất khẩu từ các nước, thị trường này phải thực hiện hệ thống lưu trữ gạo quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực với tỉ trọng lưu trữ trong kho là 17%, tương đương khoảng 30.000 tấn. 

Ngoài ra dân số có đến 7,48 triệu người và thị hiếu của người dân đang chuyển ăn nhiều thịt sang ăn nhiều các loại thực phẩm như gạo. Do đó, nhu cầu gạo của Hong Kong là rất lớn.

"Chúng tôi kì vọng khối lượng gạo Việt Nam xuất sang Hong Kong có thể đạt con số tối thiểu là 90.000 tấn vào cuối năm nay", ông Lu thông tin.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng cơ hội tăng trưởng ở thị trường Hong Kong là hoàn toàn khả thi, dù tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2019 và 2020 giảm do sản xuất khó khăn như mùa khô kéo dài ở ĐBSCL, lượng đất ngập mặn tăng, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các thị trường chính như Trung Quốc, Indonesia... có một số thay đổi về chính sách nhập khẩu.

"Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong năm 2020 không tăng mà còn giảm, nhưng riêng thị trường Hong Kong có thể bằng 2019 hoặc tăng hơn", ông Nam dự báo.

Không chỉ thông tin về nhu cầu của thị trường hai bên, cũng tại sự kiện lần này, 30 doanh nghiệp nhập khẩu gạo đến từ Hong Kong và hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tiếp xúc trực tiếp, thúc đẩy giao dịch kí kết nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gạo Việt vào thị trường tiềm năng Hong Kong.


Như Huỳnh