|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơ hội đón 'sóng' FDI từ châu Âu

07:38 | 01/07/2019
Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ EU vào Việt Nam trung bình 1-1,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Sau đó tăng lên khoảng 3 tỷ USD giai đoạn sau gia nhập WTO.
avatar_1561940416813

Việt Nam có cơ hội đón dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU. Trong ảnh: DN Đức triển lãm công nghệ tại Việt Nam

“Tính đến nay, đã có gần 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ EU đổ vào Việt Nam. EU luôn là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, dòng vốn này thời gian qua chưa xứng với tiềm năng”, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho biết.

Theo ông Khôi, khi EVIPA và cả EVFTA được ký kết, thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam được kỳ vọng gia tăng nhanh chóng. Tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; tăng thêm 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra hàng loạt quy định trong IPA sẽ tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài từ EU. Tiêu biểu như, cam kết về bảo hộ đầu tư, mở cửa thị trường; cam kết về giải quyết tranh chấp trong quá trình đầu tư. Các quy định về một số hành vi mà Chính phủ không được làm, tránh làm phương hại đến lợi ích của nhà đầu tư…

“Việc thực thi EVFTA và IPA cũng sẽ buộc Việt Nam phải thực hiện cải cách nhiều hơn và điều này cũng sẽ tạo thuận lợi để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài từ các đối tác khác ngoài EU”, ông Lương Văn Khôi dự báo.

Bộ KH&ĐT đánh giá, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một trang mới trong chính sách đối với đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng. Ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa; gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước. Đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Quỳnh Nga