|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI cam kết quay đầu giảm mạnh, sau 5 tháng tăng cao

20:59 | 24/06/2019
Chia sẻ
Sau năm tháng liền liên tục tăng cao, bước sang tháng thứ sáu này, nguồn vốn ngoại cam kết sụt giảm trở lại so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị sụt giảm mạnh.
Vốn FDI cam kết quay đầu giảm mạnh, sau 5 tháng tăng cao - Ảnh 1.

Chế biến và chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút vốn ngoại cam kết nhiều nhất trong nửa đầu năm nay -Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 6 này, cả nước chỉ có thêm 1,73 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại cam kết, nâng tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm nay đạt 18,47 tỉ đô la, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là tháng đầu tiên trong nửa đầu năm nay nguồn vốn đầu tư nước ngoài cam kết bị sụt giảm.

Đáng chú ý, việc sụt giảm này tập trung vào các dự án đầu tư mới. Theo đó, trong nửa đầu năm nay có 1.723 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,41 tỉ đô la, giảm đến 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải nguồn vốn FDI mới sụt giảm mạnh, cơ quan xúc tiến đầu tư cho rằng do trong tháng 6-2018 có nhiều dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới (dự án Thành phố thông minh tại Hà Nội của nhà đầu tư Nhật Bản có vốn đăng ký 4,14 tỉ đô la; dự án nhà máy sản xuất Poplypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng - Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỉ đô la tại Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tương tự, vốn điều chỉnh tăng thêm trong sáu tháng đầu năm nay chỉ bằng 66,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,94 tỉ đô la.

Trong 6 tháng đầu 2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,1 tỉ đô la, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần trong cùng thời gian trên của nhà đầu tư nước ngoài tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký, nhưng cũng không thể kéo được tổng nguồn vốn ngoại cam kết lên bằng cùng kỳ năm ngoái.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư đã đầu tư vào 19 ngành nghề lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,15 tỉ đô la, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,32 tỉ đô la, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đạt 1,05 tỉ đô la, chiếm 5,7 % tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu vốn cam kết

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm nay có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỉ đô la, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỉ đô la, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư; và Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỉ đô la, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Singapore, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký 2,2 tỉ đô la và 1,95 tỉ đô la.

Hùng Lê