Cơ hội cho phát triển điện sinh khối ở Việt Nam
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo trực tuyến: Kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức trực tuyến chiều ngày 25/11.
Phát điện chưa đến 0,1%
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), ở Việt Nam các dạng sinh khối chính như: trấu, rơm, bã mía, sắn, phế thải, nhiên liệu gỗ, tre... Tỷ lệ sử dụng sinh khối hiện nay chủ yếu là gỗ củi hơn 50%, trấu 21%, bã mía 9%... cho đun nấu tại gia đình, các lò đốt sinh nhiệt.
Trong năm 2020, công suất lắp đặt toàn quốc đạt gần 75.000 MW, nhưng điện sinh khối công suất lắp đặt ghi nhận chiếm chưa đến 1%, điện năng thương phẩm đưa lên lưới chỉ hơn 0,1%.
"Đây là con số rất nhỏ so với tiềm năng phát triển của điện sinh khối của Việt Nam. Tiềm năng này phân bổ chia đều 3 miền và ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, khu vực Tây Nguyên, vùng Nam bộ... Tiềm năng sản xuất điện từ trấu đến năm 2035 khoảng 370 MW; điện gỗ củi hơn 3.000 MW; điện từ bã mía khoảng 470 MW...", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Năng lượng sinh khối thời gian qua đã được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, phê duyệt Chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu; trong đó, sinh khối và khí sinh học là một trong những phương án nhằm mục tiêu giảm phát thải nhà kính.
Ngoài ra, còn có chiến lược tăng trưởng xanh; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện sinh khối; đồng thời đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện khí sinh học...
Mặc dù vậy, theo ông Tuấn, điện sinh khối vẫn ở mức "không đáng kể" là do những khó khăn trong việc kiểm soát nguồn nhiên liệu cung cấp cho nhà máy như: khả năng cung cấp nhiên liệu thiếu ổn định và bền vững; giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ.
Ngoài ra, vốn đầu tư ban đầu khá lớn là một trong các trở ngại lớn nhất; cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; thiếu kinh nghiệm phát triển, kỹ sư và nhân công lành nghề các dự án nhiên liệu sinh học...
Cũng theo Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Việt Nam đang nỗ lực, cùng với hỗ trợ cả về công nghệ và tài chính của các tổ chức quốc tế, hướng tới giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào điện sinh khối, đến nay tổng công suất điện sinh khối còn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng công suất điện.
"Thời gian tới, làm sao để có các cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư quan tâm hơn tới phát triển điện sinh khối, điện rác để vừa thân thiện môi trường, đảm bảo cung cấp điện", ông Hùng nói.
Cơ chế để thúc đẩy
Theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài, Việt Nam có nguồn lượng sinh khối đa dạng và rất lớn; trong đó, có nguyên liệu sau thu hoạch như bã mía, trấu rơm... để chuyển đổi thành năng lượng sạch, thông qua nhiều công nghệ khác nhau, tùy vào quy mô dự án. Điện sinh khối là dạng năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đáp ứng phần nào năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Mathias Eichelbronner, chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối cho hay, hiện nhiều nước trong khu vực đã có mức giá ưu đãi FIT với điện sinh khối rất tốt như: Thái Lan, Malaysia... Việt Nam cũng đã có cơ chế giá FIT, tuy nhiên vẫn là chưa đủ để khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển.
"Việc đầu tư sản xuất điện từ bã mía giúp chi phí sản xuất mía đường ở Thái Lan thấp hơn chi phí ở Việt Nam. Bởi lẽ, họ dùng bã mía để sản xuất điện, sẽ giảm chi phí năng lượng của họ. Như vậy, với mỗi tấn đường sẽ lợi thế hơn về giá bán", ông Mathias nói.
Mức giá FIT của Việt Nam mới chỉ 8,47 cent/kWh, thấp hơn so với nhiều nước như: Thái Lan, Malaysia, Philippines. Với mức giá ưu đãi thấp, sẽ khó để các ngân hàng cấp vốn, bởi nhiều rủi ro với trong đầu tư. Vì nếu giá FIT không thực sự tốt, thị trường tài chính không có đủ đòn bẩy, khuyến khích các ngân hàng sẵn sàng cung cấp nguồn vốn.
Chia sẻ từ chuyên gia của GIZ, cơ chế giá FIT ở Việt Nam hiện tại chưa đủ hấp dẫn và chỉ có thể khuyến khích những công nghệ điện sinh khối có hiệu suất chưa cao.
Vì vậy, phải tính tới giai đoạn từ 10-20 năm tới, với những công nghệ hiện đại hơn, công suất lớn hơn để đáp ứng hiệu quả đầu tư. Để vượt được Thái Lan, Nam Phi, Brazil..., phải có những "bước nhảy" lớn hơn, hàng chục năm về công nghệ.
Chuyên gia của GIZ khuyến nghị cần có những cơ chế, "phần thưởng" cho những công nghệ mới, để tiến tới số giờ vận hành, công suất cao hơn dựa trên số bã mía ít hơn. Một điểm nữa được các chuyên gia nhận định là chi phí vận hành điện sinh khối còn cao, nên cần có cơ chế để bù đắp do ảnh hưởng của lạm phát, thay thế phụ tùng, thiết bị.
Cũng theo chia sẻ của đại diện các địa phương như Phú Yên, Hậu Giang, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn "lăn tăn" trong việc giá điện sinh khối còn thấp hơn so với các dạng năng lượng khác, chi phí đầu tư lớn trong khi thời gian xây dựng kéo dài hơn so với điện mặt trời.
Ngoài ra, điện sinh khối cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành như công thương, nông nghiệp...Bởi, sản xuất điện sinh khối liên quan nhiều đến vùng nguyên liệu, tính ổn định của vùng nguyên liệu.
Trong các hỗ trợ người dân về vùng nguyên liệu, các địa phương cũng đề xuất hỗ trợ về cơ giới hóa, hoàn thiện thể chế về sản xuất hữu cơ tuần hoàn; có pháp lý để thúc đẩy theo hướng xã hội hóa. Như vậy mới tận thu được các phụ phẩm trong nông nghiệp.
Để hỗ trợ phát triển năng lượng sinh khối, GIZ đã giới thiệu cuốn "Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án năng lượng sinh khối tại Việt Nam".
Cuốn tài liệu, được Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ tại Việt Nam cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cập nhật và hoàn thiện, gồm các thông tin cụ thể về quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư trong phát triển dự án sản xuất điện nối lưới từ sinh khối tại Việt Nam...