|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Có hay không việc Hải quan Lào Cai làm luật?

16:28 | 10/09/2019
Chia sẻ
Cách kiểm tra, kiểm soát hàng hóa của những cán bộ hải quan tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hết sức lỏng lẻo và có dấu hiệu “làm luật” khiến hàng hóa thẩm lậu vào nội địa ngay tại cửa khẩu.

Lơi lỏng kiểm soát hàng hóa

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai có vị trí đắc địa, là cửa khẩu duy nhất ở phía Bắc nằm trong lòng thành phố. 

Trong khi, lối xuất nhập cảnh cho du khách, dân cư... tại Nhà kiểm soát liên ngành của cửa khẩu hết sức nghiêm ngặt với cổng từ an ninh và các khâu kiểm tra giấy tờ chặt chẽ thì tại khu vực cho phép vận chuyển hàng hóa qua biên lại rất lộn xộn.

Có hay không việc Hải quan Lào Cai làm luật? - Ảnh 1.

Xe hàng từ Trung Quốc về Việt Nam không bị lực lượng hải quan kiểm tra, kiểm soát.

Quan sát của chúng tôi tại lối thông quan này là cảnh những chiếc xe thồ chở hàng hóa cồng kềnh nối đuôi nhau ì ạch di chuyển. Mỗi chiếc xe thồ này đều được chế độ lại để có thể chở hàng chục thùng, bao hàng lớn nhỏ.

Trong khi, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đang được chỉnh trang khuôn viên xung quanh, đẹp và sạch bao nhiêu thì tại đây những chiếc xe thồ hàng phần nào làm mất đi tính thẩm mỹ, tính uy nghiêm của một cửa khẩu quốc tế. Cảnh xe thồ hàng cao ngút đầu người, cảnh người bốc xếp, xe cộ ra vào và những tiếng ồn ã khiến khu vực trên giống như một khu chợ sôi động.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất là quy trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ở đây được các cán bộ hải quan thực hiện hết sức chóng vánh. Hầu hết thời gian chúng tôi có mặt tại đây đã tận mắt chứng kiến cách làm việc kỳ lạ này.

Theo đó, nhiều xe thồ hàng đi qua song những cán bộ hải quan chỉ ngồi hoặc đứng quan sát. Vào ngày mưa, toàn bộ hàng hóa được trùm bạt kín mít, nhưng cán bộ hải quan cũng hiếm khi lật bạt soát xét bên trong. 

Cứ thế những chiếc xe thồ “ăn” đầy hàng lặc lè “bò” qua cửa khẩu tới nơi tập kết rồi toàn bộ hàng được bốc thẳng lên xe chạy vào nội địa. Khi có sự xuất hiện của người lạ mặt ở khu vực này, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa của cán bộ hải quan có vẻ cẩn trọng hơn nhưng cũng chỉ là bằng cảm quan.

Chứng kiến một trong số những lần đó là cảnh cán bộ hải quan tay cầm bút như kiểm đếm số lượng thùng hàng trên chiếc xe thồ rồi hô to “25 cái”, để cán bộ còn lại ghi chép vào cuốn sổ để trên bàn.

Cán bộ hải quan cũng đuổi khéo người lạ mặt đứng gần khu vực thông quan ra ngoài với lý do đây là khu vực làm việc. Lạ là có những người không mặc sắc phục của ngành hải quan, ăn vận áo phông, quần ngố vẫn ung dung ngồi ghế nhựa ngay tại đây.

“Làm thuế”… kiểu bỏ giỏ

Để tìm lời giải đáp về cách làm việc kỳ lạ trên của Hải quan Lào Cai, chúng tôi vờ là những người tìm mối nhập hàng từ Trung Quốc để tiếp cận những người đẩy hàng tại đây. Khi đã có được sự tin tưởng nhất định, một trong số họ cho biết, hàng hóa nhập về đều không có giấy tờ nên thực chất là hàng lậu.

“Bọn cô đi thế này làm gì có giấy tờ gì, chỉ có không mang pháo, không mang thuốc phiện… còn tất cả các hàng đều là lậu từ bên Trung Quốc về, bất kể là gì. Tất cả mình đều phải ‘làm thuế’", một trong số họ cho biết.

Cũng theo những người đẩy hàng, có nhiều cách để có thể nhập hàng từ Trung Quốc, muốn rẻ phải sang Hà Khẩu mua hàng rồi thuê vận chuyển về Việt Nam, khi qua hải quan phải “làm thuế”. 

Tuy nhiên, với cách này, sau khi nhận được hàng, người vận chuyển sẽ không còn trách nhiệm, nên việc bị cơ quan chức năng như quản lý thị trường, đội hải quan cơ động… tịch thu hàng hóa ở ngoài khu vực cửa khẩu người mua phải chịu. 

Cách khác là mua qua các chủ bao còn gọi là “hàng báo”, các thủ tục về luật lá đều được lo trọn gói nên hàng có thể về thẳng Hà Nội. Tuy nhiên, cách này chi phí cao do giá hàng hóa sẽ khác nhưng dễ làm vì chỉ cần gọi điện thoại là xong.

Tiết kiệm nhất là tự xách hàng về, cách này chủ yếu dành cho những người buôn bán nhỏ lẻ và khi qua hải quan tùy theo mặt hàng mà “làm thuế”, đặc biệt là “thuế” nhưng có thể mặc cả.

Có hay không việc Hải quan Lào Cai làm luật? - Ảnh 2.

Xe hàng từ Trung Quốc về Việt Nam hiếm khi bị hải quan Lào Cai soát, xét.

"Ví dụ cô dắt chiếc xe đạp này về “làm thuế” hai trăm nghìn thì cô xin, em có cái xe đạp cho em làm trăm rưỡi chẳng hạn, nếu làm một trăm họ không nghe", một người đẩy hàng cho biết.

Với những mặt hàng giá trị lớn hơn như xe điện trẻ em (hơn 1 triệu đồng/chiếc - PV)… đều phải "làm thuế" từ 50 - 100 nghìn đồng mỗi thùng - theo một người đẩy hàng

Cũng qua quá trình tiếp xúc với những người đẩy hàng, họ cho biết, “làm thuế” nhưng không có phiếu thu, mà chỉ bỏ tiền vào trong rồi mang hàng đi.

Chúng tôi mất nhiều ngày theo chân những người đẩy xe, cửu vạn ở cửa khẩu để hiểu rõ hơn về cái gọi là “làm thuế” ở đây. Trong đó có những lần chúng tôi đã được đi theo người đẩy hàng để ghi lại sự việc này.

Khi xe thồ hàng tới khu vực hải quan, một cán bộ hải quan dẫn người đẩy hàng vào trong phòng làm việc rồi nói: “Một trăm rưỡi, bốn mươi nghìn một kiện, ở đây có giá rồi. Em đi lâu rồi hay mới đi đều thế thôi”. 

Sau đó, cán bộ hải quan chỉ tay vào giỏ đựng tiền bằng nhựa nằm trên bàn để bỏ tiền vào bên trong. Sự việc diễn ra ngay trước mắt các cán bộ hải quan khác đang làm việc trong phòng. Dường như việc làm trên không có gì lạ tại đây.

Những ngày theo chân những người đẩy hàng có thâm niên, chúng tôi cũng học thêm được cách lách để giảm “thuế”, có như vậy buôn bán mới thêm lãi. 

Cách này khá đơn giản, theo đó, thay vì báo đúng chủng loại mặt hàng thì khi qua hải quan chỉ báo miệng là xe lắc, hoặc những hàng hóa ít giá trị. Bởi tất cả đều được đóng gói kín mít trong những thùng carton, hiếm khi cán bộ hải quan rạch ra để kiểm tra.


Nhóm PV