|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Có đủ nguồn dự trữ dầu để bù đắp thâm hụt ngân sách vài năm, Nga sẵn sàng để giá dầu xuống 25 USD/thùng

21:31 | 09/03/2020
Chia sẻ
Với dự trữ dầu mỏ và khí đốt lên tới hơn 150 tỉ USD, nước Nga có thể đối mặt với tình huống giá dầu xuống tới 25 USD trong vài năm.

Hôm 8/3, Bộ Tài chính Nga tuyên bố họ có đủ nguồn dầu dự trữ để bù đắp thâm hụt ngân sách trong vài năm, ngay cả khi giá dầu thô dao động từ 25 tới 30 USD mỗi thùng, RT đưa tin.

Mặc dù 9/3 là ngày lễ ở Nga, cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương đều phản ứng khá nhanh với việc giá dầu giảm tới 33%. Bộ Tài chính nói Quĩ Tài sản Quốc gia Nga có lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá hơn 150 tỉ USD, đủ để bù đắp sự thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm trong 6-10 năm.

Ông Anton Siluanov, Bộ trưởng Tài chính Nga, từng khẳng định nền kinh tế Nga có thể chịu mức giá dầu khoảng 30 USD/thung, mặc dù mức giá ấy không tối ưu để cân bằng ngân sách.

Có đủ nguồn dự trữ dầu để bù đắp thâm hụt ngân sách vài năm, Nga sẵn sàng để giá dầu xuống 25 USD/thùng - Ảnh 1.

Nước Nga tự tin rằng họ có đủ nguồn lực dự trữ để tham gia cuộc chiến giá dầu trong vài năm. Ảnh: RT

Sự lao dốc của giá dầu khiến đồng ruble của Nga giảm giá mạnh so với USD và Euro. Trong phiên giao dịch sáng 9/3, đồng ruble giảm khoảng 8% so với USD và đạt mức thấp nhất so với Euro từ cuối tháng 2/2016.

Ngân hàng Trung ương Nga thông báo họ tạm dừng mua ngoại hối ở thị trường nội địa trong 30 ngày để giảm mức độ bất ổn của thị trường. 

"Chúng tôi sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp cần thiết để bảo đảm sự ổn định tài chính của đất nước. Khả năng phục hồi hoạt động mua ngoại hối sẽ phụ thuộc vào tình hình trong tháng 3", Ngân hàng Trung ương nhấn mạnh.

Ông Ali Khedery, cựu cố vấn cấp cao Trung Đông của Exxon, và hiện là CEO của Dragoman Ventures (Mỹ) bình luận hôm 8/3 rằng giá dầu có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng trong năm nay.

Giá dầu đã giảm 30% trong năm và Saudi Arabia ngày trước đó tuyên bố sẽ giảm giá dầu quy mô lớn so với giá bán chính thức tháng 4. Quốc gia trụ cột của OPEC cũng đang cân nhắc tăng sản lượng cung cấp từ 9,7 triệu thùng mỗi ngày lên hơn 10 triệu thùng mỗi ngày.

Với việc cam kết cắt giảm sản lượng của khối OPEC + sẽ hết hạn vào cuối tháng 3, Saudi Arabia về lý thuyết có thể bơm vào thị trường khối lượng dầu tùy ý, lên tới công suất 12,5 triệu thùng mỗi ngày. Tương tự, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak xác nhận hôm 6/3 rằng Moscow đã sẵn sàng hành động.

"Từ ngày 1/4, chúng tôi sẽ bắt đầu hoạt động mà không bận tâm đến hạn ngạch hay cắt giảm sản lượng gì diễn ra trước đó", ông Alexander Novak nói với các phóng viên tại cuộc họp OPEC+ ở Vienna, song vẫn trấn an "nhưng điều này không có nghĩa là mỗi quốc gia sẽ không theo dõi và phân tích sự phát triển của thị trường".

"Các thành viên của nhóm OPEC+ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến giá, bằng cách công bố các kế hoạch tăng sản lượng", Edward Bell, nhà phân tích hàng hóa tại Emirates NBD nhận định. "Kết quả là một cú lật đáng kinh ngạc, thay vì cắt giảm sản xuất để bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu, gây ra bởi sự bùng phát của Covid-19", ông bình luận thêm.

Theo các nhà phân tích, chiến lược của Saudi Arabia và Nga cho thấy sự thay đổi trong quan điểm ưu tiên giành thị phần hơn là ổn định thị trường và hỗ trợ giá. Mức sản xuất hiện tại ở Trung Đông và Bắc Phi thấp hơn khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày so với mức cao nhất kể từ năm 2018.

Thực tế ấy có nghĩa các nhà sản xuất hai khu vực này còn nhiều van dự phòng để xả thêm dầu vào thị trường. Trong khi đó, Nga đang bơm khoảng 130.000 thùng mỗi ngày, dưới mức cao nhất. Moscow dường như cũng đang thể hiện rõ ý muốn giành thêm thị phần.

"Các thành viên OPEC + có khả năng sẽ tăng sản lượng từ quý II trở đi. Một làn sóng dầu sẽ tràn ra thị trường", chuyên gia Edward Bell dự báo. "Chúng ta sẽ thấy Saudi Arabia, UAE và các nhà sản xuất lớn khác trong OPEC tăng sản lượng trong phần còn lại của năm 2020, khi họ quay lại chiến lược giành thị phần hơn là mục tiêu về giá", ông nói.

Nga và các nước không phải thành viên khác đã cộng tác với OPEC trong những năm gần đây và đồng ý về việc cắt giảm sản lượng trước đó. Giờ thì, chưa rõ ai sẽ thắng thế nếu cuộc chiến giá diễn ra. Theo IMF, Nga có thể chịu đựng được giá dầu thấp hơn. Saudi Arabia cần bán 83,6 USD mỗi thùng để cân bằng ngân sách nhà nước, trong khi Nga chỉ cần 42,4 USD để làm điều đó.

Ngoài ra, Mỹ vốn không phải là một phần của OPEC. Không giống như Nga, Mỹ cũng chẳng hợp tác với khối này trong các quyết định sản lượng đầu ra. Thực tế, Mỹ đã tăng bán mạnh dầu thô trong những năm gần đây, làm ngập thị trường và khiến giá đi xuống.

Hệ quả toàn bộ câu chuyện là hàng tồn kho sẽ tăng đột biến. Khi Mỹ tự quyết định độc lập, OPEC+ thì đàm phán thất bại và quyết tâm theo đuổi cuộc chiến thị phần, theo giới phân tích, cân bằng cung - cầu dầu sẽ vỡ, ít nhất trong 3 quý đầu năm nay. Kết hợp với tình hình nCoV lây lan khiến nhu cầu thấp thì khả năng lao dốc của giá dầu là hiển nhiên. Vấn đề là giá dầu sẽ chạm đáy ở mức bao nhiêu?

Không phải ai cũng dự báo dầu sẽ chỉ còn 20 USD mỗi thùng như Ali Khedery,. Goldman Sachs dự đoán mức giá thấp nhất là 35 USD một thùng trong trường hợp xảy ra chiến tranh giá, hoặc giảm xuống 40 USD, trước khi đạt mức trung bình quý II/2020 là 42 USD, nếu không có gì thay đổi.

Emirates NBD thì dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ còn 45 USD mỗi thùng, trong khi dầu WTI ở mức 40 USD trong quý II, trước khi phục hồi vào thời gian còn lại của năm.

Cửu Dương