|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ đông lớn TKG chậm báo cáo giao dịch nhiều tháng, âm thầm mua trước khi cổ phiếu tăng phi mã

16:30 | 12/01/2024
Chia sẻ
Thực hiện giao dịch từ tháng 7/2023, song đến tháng 1/2024, CTCP Giao dịch hàng hóa TP HCM và nhóm cổ đông ông Trần Phú mới báo cáo giao dịch.

Ngày 11/1, CTCP Giao dịch hàng hóa TP HCM báo cáo đã mua 30.000 cổ phiếu của CTCP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh (: TKG) vào ngày 18/7/2023, tức hơn 6 tháng trước.

Sau giao dịch, CTCP Giao dịch hàng hóa TP HCM nâng sở hữu lên thành 290.000 đơn vị, tương ứng với 4,59% vốn. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn HNX.

Cùng ngày 11/1, ông Trần Phú, Thành viên Hội đồng quản trị của Giao dịch hàng hóa TP HCM, đã mua 190.000 cổ phiếu, tương ứng với 3,01% vốn TKG (chưa sở hữu trước giao dịch).

Theo đó, nhóm cổ đông gồm ông Trần Phú (3,01% vốn) và bên liên quan (4,59%) đã trở thành cổ đông lớn với tổng sở hữu 480.000 cổ phiếu, tương đương 7,6% vốn kể từ 24/7/2023.

Như vậy, Giao dịch hàng hóa TP HCM và nhóm cổ đông ông Trần Phú đã chậm báo cáo giao dịch so với quy định (không quá 5 ngày làm việc kể từ khi kết thúc giao dịch).

Danh sách và tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn tại TKG liên tục biến động xuyên suốt từ tháng 7/2023 đến nay. Gần nhất, cùng ngày 27/12/2023, ông Vũ Khánh Hòa và bà Đinh Thị Thùy đã mua lần lượt 262.000 cổ phiếu và 380.000 cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 5,5% vốn và 6,02% vốn (chưa sở hữu trước giao dịch).

Song song đó, thị giá TKG cũng ghi nhận những biến động khó lường trên sàn HNX. Mã này từng có chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tiếp 21-29/9/2023, mất phân nửa giá, rơi về 6.000 đồng/cp. Từ 26/12/2023 đến 11/1/2024, thị giá gấp đôi trở lại, từ 7.000 đồng/cp lên trên 14.700 đồng/cp. TKG giảm sàn phiên 12/1 về 13.300 đồng/cp.

Khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 1 tháng gần nhất đạt khoảng 570.000 đơn vị, gấp 2,5 lần mức bình quân phiên qua 1 năm.

Diễn biến giá cổ phiếu qua 6 tháng (đến 12/1/2024). Biểu đồ: FireAnt.

Xuân Nghĩa

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.