Cổ đông Gelex có thêm hơn 8.200 tỷ đồng trong tuần qua, cổ đông Hòa Phát tạm mất 29.500 tỷ
Kết phiên 19/11/2021, vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM) là khoảng 7,59 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 85.100 tỷ so với cuối tuần trước (kết phiên 12/11).
Riêng sàn HOSE ghi nhận mức giảm mạnh nhất với khoảng 81.600 tỷ đồng, vốn hóa thị trường UPCoM cũng giảm gần 10.800 tỷ, riêng sàn HNX tăng gần 7.300 tỷ.
Hòa Phát dẫn đầu về mức giảm vốn hóa, Gelex tăng nóng
Cổ phiếu có giá trị niêm yết đi xuống nhiều nhất tuần qua là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, mất gần 30.000 tỷ đồng. Theo sát sau HPG là cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas).
Do công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn kiểm soát gần 96% vốn điều lệ của GAS nên việc giá cổ phiếu đi xuống không gây ảnh hưởng quá nhiều tới nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, PV Gas chỉ có khoảng hơn 10.000 cổ đông.
Ngược lại, HPG là cổ phiếu được đông đảo nhà đầu tư nắm giữ, số cổ đông vào tháng 7 năm nay lên tới hơn 133.000 người.
Vì vậy, khi giá cổ phiếu HPG lao dốc, trên các diễn đàn chứng khoán đã xuất hiện rất nhiều bài bình luận với các ý kiến trái chiều, có người cho rằng giá giảm là cơ hội để mua vào, lại có người nhận định cần phải bán cắt lỗ sớm.
Cổ đông lớn nhất của Hòa Phát hiện nay là Chủ tịch Trần Đình Long với tỷ lệ sở hữu 26,08%, tương đương gần 1,17 tỷ cổ phiếu. Vợ và con trai của ông Long cũng đang nắm giữ lần lượt 328 triệu và 72 triệu đơn vị HPG.
Khi vốn hóa của Hòa Phát sụt 29.500 tỷ thì giá trị cổ phiếu HPG mà gia đình ông Long nắm giữ giảm khoảng 10.300 tỷ.
Nếu so với mức đỉnh thiết lập hôm 28/10, giá trị niêm yết của Hòa Phát đã bay hơi khoảng 44.700 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm 17%. Chủ tịch Hòa Phát đã nhiều lần khẳng định sẽ không bán bớt cổ phần mà chỉ mua thêm.
Cổ phiếu HPG lao dốc trong bối cảnh giá thép thế giới xuống thấp còn Việt Nam sắp hạ thuế suất thép nhập khẩu.
Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và BSR của CTCP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn cũng là những mã có vốn hóa giảm mạnh trong tuần qua. Tương tự với GAS, cổ đông Nhà nước cũng nắm giữ trên 90% số cổ phiếu GVR và BSR đang lưu hành nên tác động tới nhà đầu tư cá nhân không quá lớn.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex, BID của Ngân hàng BIDV và HDB của HDBank giúp cho nhà đầu tư giàu thêm hàng nghìn tỷ đồng trong tuần 15 - 19/11.
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 22,58% vốn của Gelex. Bà Đào Thị Lơ (mẹ ông Tuấn) và công ty của bà Lơ cũng đang sở hữu tổng cộng 16,37%. Trong tuần 15-19/11, giá cổ phiếu GEX tăng tổng cộng 26%, nhờ vậy nhóm cổ đông CEO Nguyễn Văn Tuấn có thêm gần 3.200 tỷ đồng.
Ngay trước nhịp tăng sốc này, ông Nguyễn Văn Tuấn đã mua thêm 30 triệu cổ phiếu GEX trong ba ngày từ 10/11 đến 12/11.
Nhiều cổ phiếu tăng sốc trong tuần đáo hạn phái sinh
Ở HOSE có nhiều cổ phiếu tăng xấp xỉ 40% trong tuần qua nhờ "tím lịm" suốt từ thứ Hai đến thứ Sáu như MCG của Năng Lượng và Bất động sản MCG, PXI của Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí, TNI của Tập đoàn Thành Nam, ... Khối lượng khớp lệnh mỗi phiên lên tới hàng triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, ba cổ phiếu giảm mạnh nhất HOSE đều là các mã cùng ngành thép với Hòa Phát, bao gồm: SMC của Ðầu tư Thương mại SMC, HSG của Tập đoàn Hoa Sen và NKG của Nam Kim.
Ở HNX, cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O tiếp tục đà tăng ấn tượng 58,3% trong một tuần dù làm ăn thua lỗ nhiều quý liền. Ở UPCoM, do biên độ dao động lớn hơn nên có những mã tăng bằng lần như LG9 hay LIC.