|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cơ chế áp trần giá của G7 có thể phản tác dụng

14:10 | 04/09/2022
Chia sẻ
Ngày 2/9, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu của Nga. Một số nhà phân tích cảnh báo động thái chưa từng có tiền lệ này có thể phản tác dụng.

 

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Cơ chế áp trần giá hoạt động như thế nào? 

Dầu của Nga sẽ được mua với giá chiết khấu so với giá thị trường hiện hành, nhằm hạn chế lợi nhuận của “xứ bạch dương”, sau khi khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na).

Tuy nhiên, mức giá chiết khấu vẫn cao hơn chi phí sản xuất để đảm bảo sự khuyến khích đối với hoạt động xuất khẩu. Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, tỷ lệ chiết khấu, tính riêng đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, có thể được điều chỉnh thường xuyên.

Những tiền lệ

Trong lịch sử, đã có những hệ thống quốc tế được áp dụng để nhằm ngăn chặn một quốc gia xuất khẩu dầu ví dụ như đối với Iran và Venezuela hiện nay, hoặc hạn chế thương mại, như chương trình "Dầu cho Lương thực" của Liên hợp quốc, từ 1995 đến 2003, cho phép Iraq bán dầu nhưng chỉ để trả lương thực, thuốc men và các nhu cầu nhân đạo. Tuy nhiên, chưa từng có một cơ chế áp giá riêng cho một quốc gia.

Quốc gia nào sẽ tham gia kế hoạch của G7?

Các thành viên của G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ đã hạn chế hoặc đình chỉ việc mua xăng dầu của Nga. Tuy nhiên, để kế hoạch của G7 phát huy hiệu quả, các nước khác sẽ phải tham gia - đặc biệt là một số khách hàng quan trọng nhất của Nga như Ấn Độ và Trung Quốc.

Chuyên gia Bill O'Grady của công ty tư vấn Confluence Investment, có trụ sở tại Mỹ nhận định trong khi G7 đưa ra viễn cảnh giá dầu giảm, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang mua dầu với mức giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, Nga có thể từ chối bán dầu cho châu Âu và đưa ra mức giá đối với dầu của nước này.

Đồng quan điểm, chuyên gia John Kilduff của công ty tư vấn đầu tư Again Capital, có trụ sở tại Mỹ cho rằng Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia kế hoạch của G7, khi những nước này đã không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo chuyên gia Kilduff, Nga sẽ tiếp tục cung ứng nhiên liệu sang ba nước trên.

Phản ứng của Nga

Để cơ chế áp giá trần hoạt động, Nga sẽ phải nhượng bộ trong nỗ lực tiếp tục xuất khẩu sang các nước G7. Tuy nhiên, ngày 1/9 các hãng thông tấn Nga đưa tin Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã cảnh báo rằng Nga sẽ không bán các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia áp giá trần đối với nước này.

Trong phiên 2/9, giá dầu thế giới đi lên, một phần do thông báo của G7. Ông Kilduff đánh giá động thái của G7 đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm nguồn cung toàn cầu và thúc đẩy một đợt tăng giá mới của “vàng đen”.

Kể cả khi giá dầu giảm từ các mức đỉnh ngay sau xung đột Nga-Ukraine hồi tháng Hai, giá mặt hàng này vẫn ở mức cao trong lịch sử và cực kỳ dễ biến động.

Việc áp trần giá có ảnh hưởng đến các lệnh trừng phạt của châu Âu?

Liên minh châu Âu (ngoại trừ ba thành viên) đang chuẩn bị cấm nhập khẩu xăng dầu của Nga kể từ ngày 5/12, đồng thời ngăn cản các công ty bảo hiểm châu Âu chi trả chi phí vận chuyển đến các điểm đến không thuộc EU.

Chuyên gia O'Grady nhận định Mỹ thực sự không thoải mái với những hạn chế về bảo hiểm và đây thực sự là một vấn đề lớn, khi khoảng 90% vận tải xăng dầu hàng hải được các doanh nghiệp EU và Anh bảo hiểm.

Theo chuyên gia O'Grady, nếu lệnh cấm bảo hiểm được đưa ra, nguồn cung của Nga sẽ thực sự giảm. Kế hoạch áp trần giá, do Mỹ khởi xướng và sau đó được G7 tán thành, sẽ miễn lệnh cấm đối với vận chuyển hàng hóa và hạn chế tác động của lệnh cấm này.

Trà My