Citibank trước nguy cơ 'mất trắng' tới 4 tỷ USD do liên quan đến Nga
Citigroup có thể sẽ mất tới 4 tỷ USD vì các liên quan đến Nga, nhà băng này chia sẻ hôm 2/3, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến kế hoạch rút khỏi thị trường Nga phức tạp hơn, theo Financial Times.
Đầu tuần này, Citi tiết lộ có 9,8 tỷ USD tài sản có liên quan đến Nga vào thời điểm cuối năm 2021. Thực tế này khiến Citi có thể chịu ảnh hưởng lớn hơn từ các lệnh trừng phạt áp dụng cho Nga hơn các ngân hàng lớn khác của Mỹ.
Sự liên quan của Citi đến Nga bao gồm ngân hàng bán lẻ của Citi tại Nga và các khoản tiền gửi tại ngân hàng trung ương Nga. Citi đã rao bán mảng bán lẻ của mình tại Nga từ năm ngoái, Financial Times cho biết.
Trong "tình huống căng thẳng nghiêm trọng", Citi có thể mất "tối đa tới gần một nửa số lượng tài sản liên quan đến Nga", ông Mark Mason, Giám đốc tài chính của Citigroup, chia sẻ.
Dù vậy, ông Mason nói khoản thất thoát cuối cùng có thể thấp hơn nhiều phụ thuộc vào tình hình thực tế tại Nga. "Chúng tôi đang quản lý tích cực tình hình để giữ con số này thấp nhất có thể", ông chia sẻ.
Bà Jane Fraser, CEO Citi, tuyên bố kế hoạch bán phần lớn mảng vận hành bán lẻ quốc tế của nhà băng này hồi tháng 4 năm ngoái để tập trung nhiều hơn vào các mảng kinh doanh có lợi nhuận tốt hơn.
Kể từ thời điểm đó, Citi đã đạt được thoả thuận để rút lại khoảng một nửa số lượng thị trường quốc tế trong một quá trình có thể khiến "nhà băng" này phải xoá bỏ khoảng 2 tỷ USD giá trị tài sản. Dù vậy, mảng bán lẻ tại Nga của Citi vẫn chưa được bán thành công.
Susan Katze, nhà phân tích của Credit Suisse, đã giảm dự báo thu nhập của Citi lần thứ 2 trong năm nay vào hôm 1/3 với lý do rằng sự liên quan của Citi đến Nga làm "giảm kỳ vọng của chúng tôi về việc mua lại cổ phiếu".
Citi đã nói về khoản lỗ tiềm năng từ sự liên quan đến Nga vào hôm 2/3 giữa lúc Citi đang đặt ra các kế hoạch mới về lợi nhuận. Mục tiêu mới cho thấy nhà băng Mỹ sẽ tiếp tục tụt lại phía sau so với các đối thủ trên Phố Wall trong những năm tới khi bà Fraser theo đuổi các chương trình tái cấu trúc đắt đỏ.
Trong buổi thuyết trình với nhà đầu tư, Citi nói rằng nó đang hướng đến chỉ số lợi nhuận trên vốn cổ phần hữu hình (ROTCE) đạt mốc từ 11% đến 12% trong vài năm tới.
Trong khi đó, Morgan Stanley đặt mục tiêu chỉ số ROTCE dài hạn ít nhất 20%. Con số này của Goldman Sachs là 15% đến 17% và JPMorgan Chase là 17%.
Khoảng cách với các đối thủ cho thấy các thách thức mà bà Fraser phải đối mặt khi muốn vực dậy Citi sau một loạt các hành động sai lầm, Financial Times nhận định.
Dù vậy, việc tăng cường đầu tư tái tổ chức ngân hàng xung quanh 5 mảng kinh doanh cốt lõi cùng với đó là cải tiến công nghệ của Citi để đáp ứng nhu cầu điều hành, quản lý đồng nghĩa với việc sẽ phải mất thêm nhiều năm để Citi có thể đạt được kết quả kinh doanh tương đồng với các ngân hàng lớn của Phố Wall.
"Rõ ràng là việc chúng tôi bị các đối thủ bỏ lại và không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư là điều không bất ngờ", bà Fraser nói. "Tập trung lớn nhất của chúng tôi lúc này là đạt các mục tiêu trung hạn và xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư cùng với đó".
Citi là ngân hàng Mỹ duy nhất đang có cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách hữu hình, một phần do chỉ số ROTCE thấp, theo Barclays.
Citi không đạt được một số mục tiêu từng chia sẻ trong buổi trình bày với các nhà đầu tư diễn ra gần đây nhất vào năm 2017. Giá cổ phiếu của Citi cũng giảm so với các đối thủ sau khi các lãnh đạo cấp cao của nhà băng này liên tục hứa hẹn về việc sẽ lấp đầy các khoảng trống về mặt lợi nhuận mà nhà đầu tư đã phàn nàn trong nhiều năm.
Khi quá trình tái cơ cấu hoàn thành, Citi sẽ tập trung vào "5 mảng kinh doanh lõi có liên quan lẫn nhau", bà Fraser nói. Các mảng kinh doanh này bao gồm dịch vụ nguồn vốn và tài trợ thương mại, dịch vụ quản lý tài sản toàn cầu, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, thị trường vốn và ngân hàng cá nhân tại Mỹ.
Lợi nhuận của Citi cũng giảm sút do phải đầu tư nhiều vào giải quyết các quan ngại của nhà điều hành sau khi các cơ quan thẩm quyền Mỹ kết luận rằng Citi thất bại trong việc chỉnh sửa "nhiều lỗ hổng tồn tại nhiều năm" trong quy trình và công nghệ của mình.
Chưa tính đến các chi phí thoái vốn, chi phí vận hành của Citi có thể tăng tới 6% trong năm 2022 khi ngân hàng này tăng chi gấp đôi cho hoạt động điều hành lên mốc 3,5 tỷ USD đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào các mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận tốt như dịch vụ nguồn vốn và tài trợ thương mại.