Chuyện thật về việc Việt Nam vẫn nghèo, bị láng giềng bỏ lại
Thành bại tại con người
Vào đầu những năm 1960, một quốc đảo gần như bị “ép” phải độc lập, khi bị trục xuất khỏi Liên bang Malaysia. Với diện tích xấp xỉ Phú Quốc, lãnh tụ của quốc đảo này lúc đó từng nhìn về phía bắc Biển Đông, và mơ ước đất nước của ông sẽ phát triển giống như Sài Gòn. Đó là câu chuyện của Singapore và Lý Quang Diệu.
Sau 50 năm, hòn đảo nhỏ ngày xưa giờ đã là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, là đầu tầu không chỉ trong lĩnh vực mà họ có lợi thế từ trước (cảng biển), mà còn trong cả các lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng tri thức rất cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hay dịch vụ tài chính. Nếu còn có danh hiệu hòn ngọc Viễn Đông, thì Singapore không có đối thủ cạnh tranh.
Nông nghiệp đã giúp ổn định xã hội, đưa đất nước Việt Nam đứng vào hàng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo.
Không chỉ có Singapore, qua giai đoạn 50 năm qua, lần lượt từ Hàn Quốc, Malaysia, hay Thái Lan đều đã bỏ xa Việt Nam trên con đường tiến đến thịnh vượng. Truy kích nguyên nhân cho sự chậm chạp này, nhiều ý kiến quay ra phê phán “dân tộc tính”, cho rằng tính cách của người Việt khiến cho đất nước trì trệ.
“Dân tộc tính”
Câu chuyện đổ lỗi cho “dân tộc tính” khiến cho quốc gia không thịnh vượng không phải là mới. Hơn 10 năm trước, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn cho rằng tính cách tự ti, thiếu chiều sâu, tiểu nông, và ít có khao khát khám phá thế giới,…vốn là rào cản cho sự phát triển của dân tộc. Tiếp theo ông Vương Trí Nhàn, cũng có nhiều người khác cho rằng “dân tộc tính” là nguyên do khiến Việt Nam mãi trì trệ.
Theo tôi, có hai nghi vấn lớn cho cách tiếp cận này.
Thứ nhất, có thực sự tồn tại “dân tộc tính” – đặc tính chung của 90 triệu người Việt với văn hoá, địa phương, ngôn ngữ, dân tộc,…khác nhau hay không?
Thứ hai, cứ cho là có tồn tại “dân tộc tính”, liệu bản tính này tồn tại vĩnh viễn hay sẽ thay đổi theo thời gian? Và nếu có, thì yếu tố nào quyết định sự thay đổi đó?
Thay vì cố gắng trả lời hai câu hỏi trên, tôi quay trở lại ví dụ của Singapore và Lý Quang Diệu. Thời kì ông Diệu bắt đầu công cuộc xây dựng một Singapore mới thì ở trên thế giới có ba mô hình thể chế chính trị thống lĩnh bởi người Hoa và gốc Hoa: CHND Trung Hoa, Đài Loan, và Singapore.
Giả dụ như giả thuyết về “dân tộc tính” là đúng, thì nghiễm nhiên sự phát triển của ba nền kinh tế này sẽ đi cùng hướng với nhau. Thế nhưng sau 40 năm, nếu như Trung Quốc, dù là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ nhì thế giới, phát triển chủ yếu dựa vào số lượng hơn chất lượng, và đến thời gian gần đây mới bắt đầu “chuyển hướng” sang nền kinh tế tri thức. Còn Singapore và Đài Loan luôn là những nền kinh tế có trình độ phát triển bậc nhất châu Á, tập trung chính vào ngành dịch vụ và có giá trị gia tăng cao.
Nếu xét về yếu tố xã hội, tức sự “văn minh” trong ứng xử giữa 2 quốc gia và vùng lãnh thổ này và Trung Hoa đại lục, thì sự khác biệt càng rõ. Trong khi người Trung Quốc lục địa mang tiếng xấu khắp nơi với cách xử sự nơi công cộng, thì người Đài Loan và người Singapore gốc Hoa lịch lãm không khác gì người Nhật hay các quốc gia phát triển khác.
Vì thế, nếu coi “dân tộc tính” là căn nguyên cho sự thịnh vượng, thì rất khó để giải thích cho sự khác biệt của ba vùng lãnh thổ nói trên.
Những người theo trường phái “dân tộc tính” sẽ có thể viện dẫn đến nghi vấn thứ hai, tức “dân tộc tính” có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng như vậy, yếu tố quyết định của sự thịnh vượng sẽ không còn là “dân tộc tính” nữa, mà là các yếu tố tạo ra nó. Đó chính là thể chế: môi trường, khung khổ pháp luật, và các điều kiện chính trị - xã hội.
Thịnh vượng đến từ thể chế phù hợp
Đã có nhiều đồng thuận giữa các nhà kinh tế rằng thể chế quyết định sự thăng trầm của một quốc gia: các nước nghèo, kém phát triển không phải bởi các quốc gia này thiếu nguồn lực, mà do sự thiếu vắng của các thể chế kinh tế và chính trị thân thiện với thị trường và xã hội dân sự lành mạnh.
Nhờ cải cách hệ thống thể chế kinh tế từ một nền kinh tế hoạch định tập trung sang nền kinh tế thị trường cách đây tròn 30 năm, Việt Nam đã chuyển mình từ một quốc gia nghèo nàn lọt nhóm 50 quốc gia có qui mô kinh tế lớn nhất thế giới, với mức GDP trên đầu người đạt trên 2.000 USD vào năm 2014.
Đó là những điểm chung của các dân tộc châu Á thành công: Trung Quốc thực hiện cải cách thị trường trước nước ta gần 10 năm (1978), Singapore, Hàn Quốc thực hiện cách chúng ta hơn 20 năm (từ cuối những năm 1950 đến đầu 1960).
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của nước ta so với các nước kể trên ở chỗ, nếu như những con rồng châu Á từ lâu đã tách bạch rõ ràng vai trò của nhà nước và thị trường thì tới giờ chúng vẫn loay hoay bàn về “mô hình nhà nước làm thay” “nhà nước kiến tạo”?
Hàn Quốc đã tạo ra những quả đấm thép Chaebol từ những năm 60 của thế kỷ trước, còn Việt Nam đã nỗ lực xây dựng “quả đấm thép” hồi cuối thập niên 2000. Nhưng điểm khác biệt quan trọng là, chính phủ Hàn Quốc lúc đó tập trung ưu đãi nguồn lực cho các doanh nghiệp tư nhân tiềm năng, tự cạnh tranh và phát triển, thì chúng ta lại ưu tiên nhiều hơn vào khu vực doanh nghiệp nhà nước. Sự khác biệt giữa những ông lớn Samsung, Hyundai, Posco, và Vinashin, Vinalines, hay những tập đoàn nhà nước như thế nào hẳn mọi người đã thấy.
Đó chỉ là vài ví dụ cho thấy những vấn đề thể chế tác động như thế nào đến “của cải” của quốc gia. Chúng ta kêu gọi tinh thần khởi nghiệp, làm giàu để đưa đất nước thịnh vượng, nhưng khi môi trường kinh doanh ít được cải thiện nhiều (Việt Nam đứng thứ 90/189 trong xếp hạng của World Bank 2015, thua xa các “con rồng châu Á”), khả năng kiểm soát tham nhũng kém (như hình phía dưới), thì yêu cầu các doanh nhân hoá hổ, hoá rồng chẳng dễ khả thi.
Những khó khăn hiện nay cho thấy động lực từ quá trình “Đổi mới 1.0” đã cạn, để bứt phá sang giai đoạn mới, cần thiết phải tiến hành “Đổi mới 2.0”, hướng tới việc xoá bỏ những chính sách không phù hợp, xây dựng các thể chế tiên tiến hơn. Mục tiêu là khuyến khích sự tham gia của đại đa số dân chúng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ trong từng lĩnh vực. Điều đó cần tư duy lập pháp và điều hành cởi mở và thông thoáng hơn, thay vì trói buộc vào tư duy cũ kỹ.
Thay đổi thế chế, xét về mặt nào đó, là khó và cần nhiều thời gian, quyết tâm lẫn nguồn lực. Nhưng nếu thực hiện được, thì về lâu dài, ngay cả “dân tộc tính” mà chúng ta hay ca thán cũng sẽ thay đổi theo hướng tốt dần lên. Bởi suy cho cùng, đặc tính của mỗi dân tộc luôn được định hình bởi môi trường quanh nó.
Theo Nguyễn Khắc Giang