|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chuyển nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DN về ngân sách nhà nước

07:30 | 10/04/2020
Chia sẻ
Đây là nội dung được Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo Nghị định hướng dẫn việc quản lí, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Theo quy định hiện nay, toàn bộ nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để chi phục vụ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và chi chuyển vào ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thống kê cho thấy, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 đã chuyển từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào NSNN tổng số tiền 205.000 tỷ đồng.

Chuyển nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DN về ngân sách nhà nước - Ảnh 1.

Chuyển trực tiếp nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DN về ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế quản lý nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đang bị điều chỉnh bởi các nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau dẫn đến việc thực hiện không thống nhất.

Việc duy trì cách quản lý thu như hiện nay khiến cho việc tập trung nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chưa được thực hiện triệt để do một số địa phương được Chính phủ, Quốc hội cho giữ lại nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước (TPHCM, Hà Nội và tỉnh Bình Dương).

Công tác quản lý thu, đối chiếu nợ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vẫn phụ thuộc khối cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các địa phương và hiệu quả không cao, khó xử lý dứt điểm các khoản nợ Quỹ của các doanh nghiệp địa phương. 

Ngoài ra, việc điều hành Quỹ không đảm bảo công bằng giữa các địa phương, nguồn thu được cân đối theo Luật Ngân sách nhà nước tương ứng với số các địa phương nộp về Quỹ.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị thay đổi mô hình quản lý nguồn thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hiện nay sang thu trực tiếp về ngân sách nhà nước; phân cấp thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định này là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu này. 

Khoản thu này phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán NSNN hàng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đồng thời, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN.

Theo dự thảo, nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước sau khi nộp vào NSNN được ưu tiên bố trí dự toán chi cho các nội dung sau:

Các khoản chi thường xuyên để bù đắp, hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, gồm: Chi hỗ trợ để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, tinh giản biên chế; chi bù đắp chi phí liên quan đến cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi khác; chi bù đắp chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn.

Các khoản chi đầu tư phát triển gồm: Chi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp nhà nước; chi bổ sung vốn nhà nước cho doanh nghiệp; chi mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; các khoản chi khác theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, việc thay đổi mô hình này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực về kinh tế - xã hội, sẽ giúp NSNN quản lý được triệt để hơn khoản thu này. 

Bên cạnh đó, thay đổi mô hình cũng thuận lợi hơn vì hiện tại ngân sách nhà nước đã có tài khoản thu hồi vốn của nhà nước mở tại Kho bạc Nhà nước trung ương và Kho bạc Nhà nước địa phương, đảm bảo thu đúng, kịp thời nguồn thu cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp... vào NSNN.

PV