|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Xuất siêu 3,6 tỷ USD tháng 1 không phải là tín hiệu khả quan

16:45 | 06/02/2023
Chia sẻ
Trong tháng 1, Việt Nam đã ghi nhận mức xuất siêu tới 3,6 tỷ USD nhưng nguyên nhân là do nhập khẩu giảm tới 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này không mấy lạc quan trong bối cảnh hiện nay bởi các doanh nghiệp thiếu đơn hàng dẫn đến giảm nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện,...

Theo báo cáo từ S&P Global, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 1/2023 đạt 47,4 điểm, tăng so với mức 46,4 điểm trong tháng 12/2022 nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm mạnh. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 cũng giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Suy giảm mạnh nhất là ngành ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 7 điểm % trong mức tăng chung.

Xuất siêu 3,6 tỷ USD không hẳn là tín hiệu khả quan

 Xuất khẩu sụt giảm trong tháng đầu năm 2023. (Nguồn: HSBC).

Bình luận về chỉ số này, các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định, dữ liệu thương mại tháng 1 yếu đi đáng kể do các nhà máy đóng cửa nghỉ lễ 7 ngày. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tết suy yếu, giảm khi so sánh với tháng trước và cả với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, PMI đạt 47,4  điểm càng minh chứng rõ nét cho xu hướng suy yếu kéo dài trong lĩnh vực sản xuất. Mặc dù, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu có sự cải thiện khi tâm lý toàn cầu cải thiện đôi chút.

HSBC cho hay, xuất khẩu đã giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính là do hàng điện tử, dệt may và giày dép, máy móc và thiết bị xuất đi sụt giảm.

Mặc dù vậy, Việt Nam đã ghi nhận mức thặng dư thương mại khá lớn là 3,6 tỷ USD trong tháng 1 nguyên nhân là do nhập khẩu giảm tới 28,9% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này không mấy lạc quan trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, kim ngạch nhập khẩu sụt giảm chủ yếu là linh kiện điện tử, đây là nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta, với đầu tàu là các FDI lớn.

"Gần một nửa mức giảm trong kim ngạch nhập khẩu đến từ các sản phẩm điện tử, báo hiệu sản xuất các sản phẩm công nghệ sẽ còn tiếp tục sụt giảm, xét bối cảnh triển vọng nhu cầu ngành công nghiệp điện tử toàn cầu vẫn còn yếu ít nhất là trong suốt nửa đầu năm 2023", HSBC dự báo.

Điều này càng làm dấy lên lo ngại về bức tranh xuất khẩu ảm đạm trong năm 2023. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá,  kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu còn bộc phát nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay vào đầu năm 2023 và trong cả thời gian tới.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà chúng ta có thế mạnh giảm sút rõ rệt.

Nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… Thị trường Trung Quốc dù mới chấm dứt chính sách Zero-COVID nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp và tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng còn diễn biến khó lường.

Đồng thời, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như dệt may, da giày,…

Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Bất cập khi xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào FDI

 Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB. (Ảnh: Hạ An).

Tình trạng này cũng được các chuyên gia cảnh báo từ đầu năm 2023. Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, chỉ số Quản trị mua hàng PMI của Việt Nam ở mức dưới 50 điểm liên tục trong nhiều tháng cho thấy sự bất cập trong cơ cấu sản xuất.

Ở những quốc gia có nền sản xuất công nghiệp lớn như Ấn Độ, khi nhu cầu trên thế giới giảm tốc họ vẫn có thể duy trì PMI trên 50 điểm nhờ sự liên kết giữa tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Ngay cả với Thái Lan, Indonesia và Phillippines, sau giai đoạn xuất khẩu lao dốc do suy giảm kinh tế, chỉ số PMI cuối năm 2022 của họ cũng ở mức trên 50 điểm.

Nhưng với Việt Nam, sự thiếu liên kết giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu được bộc lộ rất rõ khi mà tổng cầu tiêu dùng nội địa tăng lên nhưng PMI vẫn lao dốc. Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI lập tức đi xuống.

Trong những hoàn cảnh khó khăn, thách thức càng bộc lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế và đối với Việt Nam là sự kết nối, hỗ trợ giữa khu vực trong nước với khu vực sản xuất nơi mà FDI đang chiếm đại đa số còn rất yếu, ông Cường nhận định.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.