SSI: Khó khăn hiện tại có nhiều điểm giống 2010-2011, nhưng vẫn có ba yếu tố giúp Việt Nam không rơi vào khủng hoảng như thời kỳ trước
Trong báo cáo chiến lược năm 2023, SSI Research đề cập đến các rủi ro chính ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô trong năm nay.
Xét tổng quát, tăng trưởng GDP trong cả năm 2022 đạt 8,02%, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1997 và giúp Việt Nam có thể nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Châu Á.
Động lực đến từ hầu hết các khu vực kinh tế chính khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn sau COVID-19, cũng như những yếu tố nền tảng đến từ tiêu dùng nội địa và dòng vốn FDI.
Tuy nhiên, theo SSI, cũng cần phải lưu ý rằng ngay cả khi tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022, nền kinh tế vẫn chưa tiến gần đến mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn trước COVID-19 (6,5%/năm), khi tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2022 là ước tính khoảng 4,5%/năm.
Lạm phát lương thực và thực phẩm có thể là yếu tố rủi ro
Theo SSI, hai rủi ro ảnh hưởng đến vĩ mô năm nay gồm lạm phát và rủi ro thanh khoản.
Trong khi lạm phát trung bình trong năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 4%, dữ liệu theo tháng cho thấy chỉ số CPI đã bắt đầu tăng tốc mạnh từ quý III/2022 với các yếu tố tác động tăng dịch chuyển dần từ nhóm năng lượng sang nhóm hàng hóa liên quan đến giáo dục và nhà ở.
Điều này cũng khiến cho lạm phát cơ bản tăng mạnh hơn lạm phát chung, và áp lực lạm phát sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi xem xét việc điều chỉnh giá các nhóm hàng thuộc quản lý của Chính phủ như điện hay y tế hay từ yếu tố mùa vụ.
Bên cạnh đó, lạm phát lương thực và thực phẩm có thể là yếu tố rủi ro trong năm 2023, khi các biện pháp hỗ trợ COVID-19 không còn nữa (như VAT trở lại 10% cho năm 2023) hay giá thịt heo trong nước có thể sẽ bật tăng do việc mở cửa của Trung Quốc (khiến cầu tăng).
Trên thực tế, các kịch bản lạm phát trong năm 2023 từ các cơ quan Chính phủ cũng có sự phân hóa (dao động từ 3,8% - 5%), cho thấy các yếu tố tác động đến lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và thậm chí mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đưa ra cũng khá thách thức.
SSI kỳ vọng lạm phát bình quân trong kịch bản cơ sở là khoảng 4,3% cho năm 2023, trong đó CPI bình quân cho nửa đầu năm và nửa cuối năm lần lượt là 5,1% và 3,6%.
Giai đoạn khó khăn hiện tại có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn 2010-2011
Về rủi ro thanh khoản, theo SSI, sự kiện Vạn Thịnh Phát vào đầu tháng 10 (và sau đó tạo áp lực lớn lên thanh khoản hệ thống), kết hợp với các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn đã cho thấy những điểm yếu trong thị trường tài chính Việt Nam.
Khối phân tích cho rằng việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà trong môi trường lãi suất thấp (khi tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng), dưới hình thức các khoản vay ngân hàng trong nước, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay nước ngoài đi kèm với việc không có nhận thức đầy đủ về rủi ro đi kèm, đã và sẽ gây ra rủi ro thanh khoản cho Việt Nam trong năm 2022 và 2023.
Trên thực tế, cũng không khó để nhận ra giai đoạn khó khăn này và giai đoạn 2010-2011 có khá nhiều điểm tương đồng.
Xét về bối cảnh trong nước và quốc tế, sau một giai đoạn khủng hoảng (dù là khủng khoảng tài chính 2007-2008, hay khủng hoảng do đại dịch COVID-19, 2020- 2021), kinh tế thế giới và Việt Nam đều có một giai đoạn hồi phục nhẹ một năm sau đó (2010, 2021-2022) và ngay lập tức bước vào một giai đoạn khó khăn hơn với rủi ro tiếp tục suy thoái.
Nếu giai đoạn 2010-2011 thế giới cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, rồi ngay cả Mỹ cũng bị S&P hạ xếp hạng tín nhiệm, thì tới 2022 châu Âu lại phải đương đầu với xung đột Nga – Ukraine và cả thế giới cùng phải đương đầu với lạm phát tăng cao (khủng hoảng về chi phí sinh hoạt).
Và khi đều phải đối diện với một điều kiện tài chính thắt chặt (lãi suất tăng) đi kèm với rủi ro suy thoái tăng lên, thì có thể thấy các vấn đề về tỷ giá, tín dụng, thanh khoản, hay ảnh hưởng tới các thị trường có độ nhạy cao với lãi suất như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán…. hoặc những câu chuyện thiếu đơn hàng xuất khẩu là những điểm chung dễ thấy giữa giai đoạn 2011 và 2022 tại Việt Nam.
Ba yếu tố giúp Việt Nam không bị rơi vào khủng hoảng như thời kỳ trước
Tuy nhiên, SSI cho rằng có một số điểm khác biệt trong 2022-2023 có thể giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này, thay vì rơi vào khủng hoảng như thời kỳ trước.
Thứ nhất, sức khỏe ngành ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Các điều kiện đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II đã được triển khai kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2011 và tính đến hiện tại, hai phần ba số ngân hàng đã đáp ứng mức tỷ lệ an toàn vốn từ 11% đến 12%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện chỉ ở mức 1,7% từ mức 5% vào năm 2012, trong khi tỷ lệ nợ có vấn đề ước tỉnh trên 7% - thấp hơn nhiều so với mức hơn 17% vào năm 2022.
Thứ hai, các yếu tố giúp cân bằng vĩ mô của Việt Nam được kiểm soát tốt, bao gồm tăng trưởng tín dụng, lạm phát, tỷ giá và lãi suất.
Lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 được kiểm soát tốt, các đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong năm phù hợp với diễn biến toàn cầu và giảm áp lực lên tỷ giá.
Thứ ba, các chính sách được sử dụng linh hoạt, bớt cứng nhắc hơn, phù hợp với giai đoạn có nhiều yếu tố bất định như hiện nay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/