|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trong quá khứ có một vài giai đoạn cung tiền tăng thấp hơn tăng trưởng tín dụng, nhưng cách biệt không quá lớn

13:20 | 02/02/2023
Chia sẻ
Các giai đoạn này kéo dài khoảng gần 1 năm, tuy nhiên khoảng cách tăng trưởng tín dụng vượt tăng trưởng cung tiền không quá lớn. Còn xét về giá trị tuyệt đối, tổng phương tiện thanh toán vẫn cao hơn dư nợ tín dụng trong các giai đoạn đó.

Tình trạng tăng trưởng cung tiền thấp hơn tăng trưởng tín dụng hiện vẫn chưa được cải thiện. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tháng 11/2022, tổng phương tiện thanh toán (M2) đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 11,6 triệu tỷ đồng. So với cùng kỳ, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 6,42%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 14,84%.

Tình trạng này kéo dài từ tháng 5/2021 đến nay, khi đó tín dụng tăng 15,42% so với cùng kỳ, cung tiền tăng 14,92 so với cùng kỳ. Tuy nhiên khoảng cách giữa hai chỉ số này được nới rộng rõ nét từ tháng 5/2022.

Nhìn lại giai đoạn từ năm 2013 đến nay, cũng có một số lần tăng trưởng cung tiền thấp hơn tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ như giai đoạn từ tháng 4/2015 đến đầu 2016, hay từ tháng 2/2017 đến tháng 1/2018, tháng 1/2019 đến tháng 10/2019. Các giai đoạn này kéo dài khoảng gần 1 năm, tuy nhiên khoảng cách tăng trưởng tín dụng vượt tăng trưởng cung tiền không quá lớn.

Còn xét về giá trị tuyệt đối, tổng phương tiện thanh toán vẫn cao hơn dư nợ tín dụng trong các giai đoạn trên.

Về bối cảnh vĩ mô giai đoạn đó, năm 2018 có điểm đáng chú ý là lạm phát thấp kỷ lục - chỉ 0,6% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu điều hành năm đó là 5%. Nguyên nhân là do tổng cung tăng nhanh trong khi tổng cầu không theo kịp đã khiến hàng sản xuất trong nước dư thừa và qua đó tác động tới giá cả thị trường, đẩy CPI xuống thấp.  

Trong khi đó năm 2017 và 2018, kinh tế Việt Nam phục hồi khá tốt, tăng trưởng lần lượt 6,81% và 7,08%.

 

Giai đoạn từ 2006 - 2012, tăng trưởng tín dụng vượt tăng trưởng cung tiền vào các năm 2007-2009 và thấp hơn từ 2010-2012.

Đây cũng là giai đoạn nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam. Lạm phát cao kỷ lục gần 23% vào năm 2008, chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ lãi suất khiến cho tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức cao, ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát và ổn định lãi suất thị trường.

 

Quay trở lại hiện tại, trong báo cáo mới nhất, FiinGroup cho biết năm 2022, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,85% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng (14,5%), do vòng quay tiền chậm lại. 

"Cung tiền tăng thấp, tình trạng thiếu vốn cho nền kinh tế chưa cải thiện", các chuyên gia tại đây nhấn mạnh.

Theo FiinGroup, tình trạng này do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, hơn 30% tín dụng cấp mới cho nền kinh tế trong 10 tháng 2022 (ước gần 324.800 tỷ đồng) đổ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhưng sự kiện Vạn Thịnh Phát và động thái kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực BĐS của NHNN đã làm cho thị trường BĐS gần như bị đóng băng và nguồn vốn này bị “tắc” ở đây.

Nguyên nhân thứ hai, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, khiến một lượng tiền lớn của kho bạc Nhà nước nằm ở các ngân hàng dưới dạng tiền gửi. 

 

 

Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán KB (KBSV) dự báo năm 2023, cung tiền sẽ được cải thiện, từ đó giúp hỗ trợ thanh khoản tiền VND trong hệ thống nhờ một số yếu tố.

Thứ nhất, NHNN thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm một lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng.

Yếu tố thứ hai là kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng ở mức cao khi nhu cầu vay vốn là luôn hiện hữu dù mặt bằng lãi suất đã ở mức tương đối cao ngay cả so với thời điểm trước dịch, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sau vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và Nghị định 65 mới được ban hành cuối tháng 9 khiến áp lực kênh dẫn vốn của hệ thống ngân hàng càng tăng thêm.

KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% so với cùng kỳ, huy động tăng cao đạt 12% và cung tiền tăng trở lại 13% so với cùng kỳ – một phần do nền thấp của năm 2022.

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.