|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính sách của Fed đang thay đổi, đâu là thời điểm để NHNN hạ mặt bằng lãi suất?

13:12 | 02/02/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, áp lực từ Fed đang có xu hướng giảm dần, tuy nhiên để giảm lãi suất NHNN vẫn phải đối mặt với những thách thức nội tại như thanh khoản hệ thống và vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản,...

Sáng sớm 2/2 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm %, nâng mức lãi suất của Mỹ khoảng 4,5 – 4,75%, cao nhất kể từ tháng 10/2007.

Mức tăng 0,25 điểm % đánh dấu bước chuyển hạ tốc độ tăng lãi suất đúng như thị trường tài chính đã dự báo từ trước. Tuy nhiên, Fed vẫn để ngỏ khả năng về việc tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mục tiêu dài hạn 2%.

Áp lực từ bên ngoài đang giảm dần

Theo các chuyên gia, mặc dù Fed đã giảm tốc trong việc tăng lãi suất nhưng để đối phó với vấn đề tỷ giá và kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn phải rất vất vả để duy trì mức lãi suất hiện tại và xa hơn là hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp trong khoảng giữa năm 2023 khi Fed đảo chiều.

Đó là chưa kể, những vấn đề nội tại ở thị trường trong nước như thanh khoản của hệ thống ngân hàng và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết, thách thức trong điều hành lãi suất của NHNN là rất lớn.

Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), việc Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, cho thấy quan điểm tăng lãi suất ở mức nhỏ nhất khi lạm phát đã đảo chiều để ít ảnh hưởng nhất đến cầu tiêu dùng và đầu tư.

Đồng thời, Fed cũng tiếp tục phát đi thông điệp cứng rắn về việc chống lạm phát nhằm giữ quan điểm tiếp tục ghìm cương lạm phát kì vọng.

Chuyên gia Phạm Thế Anh nhận định trong kịch bản xấu nhất Fed sẽ chỉ phải tăng lãi suất thêm một lần nữa. Đến giữa năm khi lạm phát CPI của Mỹ còn khoảng 3 - 4% thì không có lý do gì để Fed phải đưa lãi suất lên cao hơn mức hiện nay. 

Tốc độ nâng lãi suất của Fed đang dần chậm lại. (Ảnh: Đức Quyền).

Chia sẻ tại một Diễn đàn diễn ra giữa tháng 1, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, Fed đã tăng lãi suất 4 lần với mức tăng 0,75 điểm % thể hiện quá trình kiểm soát lạm phát rất nhanh, mạnh và gấp gáp.

Điều này tạo nên mặt bằng lãi suất rất cao, tạo áp lực “khủng khiếp” lên chính sách tiền tệ của không chỉ Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.

Khả năng chống chọi của Việt Nam trước sức ép từ Fed tăng lãi suất là không lớn khi kim ngạch xuất nhập khẩu tới 200% GDP. Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn nên không thể để tỷ giá quá cao để giữ lãi suất bởi nguy cơ nhập khẩu lạm phát và nếu lạm phát tăng cao ngay lập tức sẽ gây ra bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, khi thị trường chứng khoán, trái phiếu và bất động sản gặp khó khăn càng gây sức ép lên tín dụng. Tỷ lệ tín dụng/GDP đã đạt 124%, đây là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp và cũng là mức cao so với các nước có mức xếp hạng BA – BAA theo Moddy.

Ông Quang cho biết, mục tiêu xuyên suốt của NHNN trong năm 2023 là phải giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát lạm phát. Từ mục tiêu đó, NHNN cũng sẽ phải duy trì sự hoạt động ổn định, lành mạnh của ngành ngân hàng.

Đâu là thời điểm để NHNN giảm lãi suất?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, Fed sẽ còn hai lần tăng lãi suất nữa là vào tháng 3 và tháng 5. Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó lãi suất sẽ duy trì ở mức đỉnh 5 - 5,25% cho đến cuối năm 2023, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích thêm. 

"Đây cũng là thời điểm để thay đổi chính sách, ổn định vĩ mô", ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Theo ông, phải đến tháng 5, khi Fed dừng tăng lãi suất sẽ là cơ hội để NHNN giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp do áp lực tỷ giá qua đi. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Ông Thành cũng nhấn mạnh quan điểm, ổn định vĩ mô không thể đạt được khi lãi suất thực hiện nay rất cao, nếu duy trì mức này cả năm sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. 

Do đó, vị chuyên gia này nhìn nhận, chính sách tiền tệ cần vượt qua thách thức trong quý I và quý II, đến khi Fed dừng tăng lãi suất, hết áp lực tỷ giá thì phải chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, mạnh tay hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, ngoài việc Fed có dấu hiệu hạ nhiệt lãi suất hoặc ít nhất không tăng, giảm rủi ro "nhập khẩu lạm phát" và áp lực lên tỷ giá thì NHNN cần điều chỉnh nới lỏng chính sách tiền tệ ở triển mức nhất định trong năm 2023. Room tín dụng được giải ngân và tạo vòng quay tiền trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Thuân, TGĐ FiinRatings. (Ảnh: Hạ An).

CEO FiinRatings phân tích, nếu lãi suất không giảm thì sẽ là thách thức vô cùng lớn cho thị trường vốn và cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 2023 cũng như những cân đối lớn cho các năm tiếp theo. 

Nguyên nhân là khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư (ROIC = Return on Invested Capital) của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết phi tài chính chỉ xung quanh 10-11%, nếu lãi suất cho vay bình quân mà cao hơn mức này thì về cơ bản và dài hạn, doanh nghiệp không thể tạo ra giá trị cho cổ đông.

Ở góc độ người dân và doanh nghiệp lựa chọn kênh đầu tư so với tiết kiệm, nếu lãi suất huy động ngân hàng tiếp tục duy trì như hiện nay (9 - 10%) thì rất khó để người dân chuyển tiền qua kênh đầu tư và sẽ ưu tiên phân bổ vốn nhàn rỗi với tiền gửi và tiết kiệm.

Do đó, doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển. Người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư. 

Trong khi những vẫn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết, thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm, thanh khoản chủ yếu dựa trên tín dụng ngân hàng. Đây là những thách thức lớn mà NHNN cần vượt qua nếu muốn hạ mặt bằng lãi suất.

Bên cạnh đó, theo ông vẫn cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tạo thanh khoản, có tác động lan toả đến nhiều ngành và lĩnh vực liên quan.

NHNN cũng cần kiểm soát nhằm tiếp tục giảm cuộc đua lãi suất huy động đã diễn ra từ cuối 2022 đưa lãi suất về gần với lãi suất điều hành, tức là lãi suất huy động cao chỉ diễn ra cục bộ và dừng lại ở một số ngân hàng nhỏ.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Thuân khuyến nghị cơ quan quản lý và thị trường nên chấp nhận lãi suất cao phản ánh rủi ro cao ở một số lĩnh vực cho vay và sản phẩm đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp theo đặc thù và giai đoạn phát triển của ngành, tuỳ theo mức độ rủi ro, tuỳ theo cấu trúc sản phẩm.

Ví dụ trái phiếu có mức độ rủi ro cao thì lãi suất vẫn có thể cao 13-15% (khoảng 5-7% mức lãi suất huy động 12 tháng bình quân) hoặc hơn sẽ là sự vận động bình thường của thị trường để khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Hạ An

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.