Chuyên gia VNDirect: Giá vàng tiếp tục tăng, NĐT cân nhắc phân bổ nhiều hơn vào vàng và trái phiếu
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, trước những bất ổn của nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19. Trong các tài sản đầu tư, vàng đang thành kênh vượt trội hơn so với các tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản.
Diễn biến gần đây, thị trường vàng và chứng khoán có diễn biến trái chiều. Để nhà đầu tư có thêm góc nhìn về việc phân bổ tài sản, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (Mã: VND).
PV: Giá vàng đang tăng mạnh sau khi vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng tại Việt Nam. So với các tài sản đầu tư khác như Chứng khoán, Bất động sản, Trái phiếu, Tiết kiệm thì Vàng đang được xem như hấp dẫn hơn cả. Ông có nhận định như thế nào về các tài sản này thời điểm hiện nay (đư địa tăng trưởng, rủi ro ngắn và dài hạn)?
Ông Phạm Thiên Quang: Mỗi kênh tài sản sẽ bị tác động bởi những yếu tố kinh tế khác nhau. Cụ thể:
Vàng thường được dùng để bảo vệ sức mua, và bị tác động chính bởi những yếu tố bất ổn kinh tế. Thông thường khi nền kinh tế có nhiều rủi ro, hoặc lạm phát phi mã là lúc vàng tăng.
Bất động sản (BĐS) nói chung cũng có tính khan hiếm nên thường cũng có sự biến động tuân theo sự đô thị hóa của khu vực, vị trí, và lạm phát. Đối với kênh này cũng cần nhà đầu tư có kinh nghiệm, thông tin và nguồn vốn lớn.
Ngược lại, chứng khoán lại đi theo tăng trưởng của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và thường thì GDP là chỉ báo rõ ràng nhất. Tuy vậy cũng cần lưu ý rằng chứng khoán thường hàm ý tương lai hơn là hiện tại.
Trong điều kiện chung Mỹ đang bơm tiền kỉ lục, các tài sản trên thế giới đều được NHTW các nước mua vào. Kinh tế Việt Nam cũng thể hiện sức mạnh với việc phòng chống COVID-19 hiệu quả, lượng tiền gửi trong dân lớn. Theo đó, chúng tôi cho rằng các kênh tài sản đều có xu hướng tăng trong thời gian tới.
PV: Theo chuyên gia, vàng đã đạt đỉnh chưa? Vàng nhiều dư địa để giao dịch thời điểm hiện tại?
Ông Phạm Thiên Quang: Sự gia tăng của giá vàng trong một năm trở lại đây đã phản ánh những bất ổn lớn và cú sốc mà nền kinh tế thế giới trải qua có thể kể đến là chiến tranh thương mại, sự bùng nổ của đại dịch COVID-19.
Các yếu tố cấu thành nên sự bất ổn và cú sốc này chúng tôi cho rằng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm khi chủ nghĩa bảo hộ trở thành xu hướng ở một số quốc gia có ảnh hưởng lớn như Mỹ, Anh, một số nước EU trong khi đó đại dịch COVID-19 vẫn cho thấy sự lan rộng chưa dừng lại ở các nước châu Mỹ, Ấn Độ. Có thể có "làn sóng thứ 2" khi mùa đông kinh tế đến và vắc-xin vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Trong giai đoạn 2008 – 2011, thị trường vàng cũng chứng kiến mức tăng giá mạnh từ 600 USD lên 1900 USD (316%) cũng vì những lí do bất ổn kinh tế tương tự như trên.
Tuy vậy, mức tăng giá cao nhất trong một năm chỉ là 31% trong giai đoạn bất ổn cao của cuộc khủng hoảng trong năm 2008. Và thông thường khi đạt mức này các quĩ đầu tư vàng lớn trên thế giới thực hiện chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận, khiến vàng có xu hướng giảm trong ngắn hạn.
Thời điểm hiện tại, vàng đã có mức tăng giá 24% tính từ đầu năm, và chúng tôi nhận thấy vẫn chưa có dấu hiệu đầu cơ mạnh mẽ như giai đoạn 2008 - 2011. Điều này hàm ý rằng, vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian 1 – 2 năm tới. Tuy vậy, nhà đầu tư cần thận trọng giai đoạn hiện tại, khi mà vàng đã có mức tăng khá từ đầu năm, có thể kích thích việc chốt lời của các Quỹ đầu tư trên thế giới.
PV: Từ góc nhìn của một tổ chức tư vấn quản lí tài sản, theo chuyên gia nhà đầu tư nên phân bổ tài sản như thế nào tại thời điểm này?
Ông Phạm Thiên Quang: Đứng trên góc độ quản lí tài sản, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên phân bổ vào một rổ các kênh tài sản khác nhau nhằm đa dạng hóa danh mục.
Tuy vậy việc phân bổ như thế nào hợp lý phụ thuộc vào 2 yếu tố sau:
Thứ nhất, dựa vào thế mạnh của mỗi nhà đầu tư, chúng ta sẽ phân bổ nhiều vào các kênh mà mình có kinh nghiệm và kiến thức sâu hơn, và phân bổ tỷ lệ ít vào các kênh có ít kinh nghiệm và kiến thức hơn. Và sẽ không đầu tư vào kênh nào mà chúng ta không hiểu rõ.
Thứ hai, trong điều kiện nền kinh tế đang bất ổn như hiện nay, nhà đầu tư cân nhắc phân bổ nhiều hơn vào các kênh tài sản có tính phòng thủ cao đảm bảo được giá trị theo thời gian như Vàng, hay dòng tiền đều như Trái phiếu.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải nhắc lại rằng vàng có một số yếu tố bất lợi như (1) chênh lệch giữa giá mua và giá bán; (2) chi phí bảo quản cao; (3) không sinh ra dòng tiền đều.
Tùy vào chiến lược đầu tư mà mỗi nhà đầu tư sẽ có quyết định khác nhau. Cá nhân là nhà đầu tư thiên hướng theo an toàn và có mức sinh lợi vừa phải, tôi sẽ đầu tư phân bổ đều giữa các kênh cổ phiếu, trái phiếu, và vàng. Với tập hợp tài sản như vậy sẽ giúp tôi có thể phòng vệ (trái phiếu, vàng) khi thị trường vào giai đoạn bất ổn như hiện nay, trong khi vẫn hưởng lợi (cổ phiếu) khi nền kinh tế khởi sắc trở lại.
PV: Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/