|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền mã hoá là 'mô hình lừa đảo Ponzi lớn nhất của nhân loại'?

07:17 | 01/07/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia đến từ Blockchain-based Service Network (Trung Quốc) gọi bitcoin và các đồng tiền mã hoá là “mô hình Ponzi lớn nhất trong lịch sử loài người” đến từ những cộng đồng “cố gắng bằng mọi cách để duy trì mô hình lừa đảo của mình”.

 Cơ quan chức năng tại Trung Quốc vẫn giữ một góc nhìn rất quan ngại về tài sản mã hoá. (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia tại Blockchain-based Service Network (BSN), một dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ nhắm hướng đến thúc đẩy ứng dụng thương mại của công nghệ blockchain, mới đây đã so sánh tiền mã hoá cùng mô hình kinh doanh dựa trên web3 là hoạt động lừa đảo đầu tư.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường tiền hoá diễn biến tiêu cực gần đây khiến các nhà đầu tư toàn cầu lỗ nặng, theo SCMP.

Shan Zhiguang và He Yifan đến từ BSN gọi tiền mã hoá là “mô hình Ponzi lớn nhất trong lịch sử loài người” đến từ những cộng đồng “cố gắng bằng mọi cách để duy trì mô hình lừa đảo của mình” trong một bài viết trên trang People’s Daily.

Từ lâu, những người chỉ trích tiền mã hoá đac bị so sánh mô hình Ponzi, trong đó những kẻ lừa đảo dùng tiền từ các nhà đầu tư mới để chi trả cho các nhà đầu tư trước đó cho đến khi trò lừa đảo không còn có thể duy trì được nữa. Dù vậy, những người ủng hộ tiền mã hoá thì lại cho rằng bitcoin, ether hay các đồng tiền mã hoá sẽ có lợi íc trong tương lai khi được đón nhận trên quy mô lớn hơn.

Những hoài nghi về tiền mã hoá lớn dần thời gian gần đây sau khi thị trường diễn biến tiêu cực, cùng thời điểm khi các nước Phương Tây thắt chặt chính sách tiền tệ kích hoạt làn sóng bán tháo các tài sản rủi ro của nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư cá nhân mua tiền mã hoá giữa lúc thị trường thăng hoa hồi năm ngoái đang phải chịu những khoản lỗ lớn. Trong khi đó, nhiều nền tảng cho vay, quỹ phòng hộ liên quan đến tiền mã hoá và thậm chí cả các nhà phát hành đồng tiền stablecoin cũng đang đứng trước nhiều áp lực tài chính.

Trong số những người phản đổi tiền mã hoá có Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft. Mới đây, ông nhận định tiền mã hoá và token không thể thay thế (NFT) “100% dựa trên lý thuyết của những kẻ ngốc nghếch”. Nhà đầu tư Warren Buffett gọi bitcoin là “thuốc độc”.

Đầu tháng này, một nhóm các nhà khoa học máy tính từ nhiều công ty và tổ chức bao gồm Đại học Harvard, Microsoft và Google đã ký một lá thư chung gửi đến các nhà làm luật tại Mỹ để kêu gọi quản lý “các công cụ tài chính số chưa được chúng minh, đầy lỗ hổng và rủi ro”.

Ở Trung Quốc, nơi tất cả các hoạt động liên quan đến tiền mã hoá đều bị cấm, BSN được thành lập vào năm 2020 để cung cấp các hạ tầng liên quan đến blockchain nhưng không “dính dáng” đến tiền mã hoá.

Một trong những dịch vụ của BSN, BSN-Distributed Digital Certificates, được thiết kế để cho phép các doanh nghiệp tạo ra và quản lý NFT của chính mình mà không phụ thuộc vào tiền mã hoá.

Tháng trước, trong đợt mở rộng ra thị trường quốc tế đầu tiên, BSN công bố sẽ sớm cung cấp cho các khách hàng quốc tế một nền tảng blockchain mở gọi là BSN Spartan Network. Nền tảng này sẽ không liên quan đến tiền mã hoá.

Các chuyên gia đến từ BSN cho rằng tiền mã hoá không có giá trị thực và giá trị của nó phụ thuộc hoàn toàn vào 2 yếu tố: niềm tin vào những người tham gia vào thị trường hiện tại và số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Đây chính là các yếu tố khiến họ cho rằng tiền mã hoá không khác gì mô hình Ponzi.

Shan và He cũng chỉ trích mô hình “làm-điều-gì-đó-để-kiếm-tiền” (ví dụ play-to-earn, hay chơi để kiếm tiền). Đây là mô hình mà các ứng dụng web3 dùng để hứa hẹn với người dùng những lợi ích về tài chính đến từ việc sở hữu và trao đổi các tài sản trên blockchain.

Dù vậy, nhiều người lại cho rằng web3 là một trong những cách giúp người dùng mạng tránh được sự kiểm soát của các công ty Big Tech trong tương lai. Trò chơi Axie Infinity nổi tiếng của startup Việt Nam Sky Mavis là một trong những ví dụ của trào lưu “play to earn”.

Các chuyên gia của BSN cho rằng lợi nhuận kiếm được từ các mô hình kinh doanh nói trên phụ thuộc vào “một sự cân đối rất mong mong” và chỉ có thể duy trì được nêu như tất cả mọi người vẫn còn niềm tin vào nó.

Sự bùng nổ tiền mã hoá cũng khiến truyền thông và cơ quan chức năng Trung Quốc liên tục đưa ra các cảnh báo.

Tuần trước, một bài viết trên Economic Daily kêu gọi các nhà đầu tư lưu ý rủi ro bitcoin rớt giá “về hướng 0 USD”. Trước đó, vào tháng 5, trang này nói rằng sự sụp đổ của terraUSD và Luna “chứng minh việc các nhà điều hành tại Trung Quốc đã hành động kịp thời và hiệu quả”.

Cũng trong tuần trước, cơ quan điều hành tài chính Thâm Quyến nói trong một thông báo rằn trao đổi tiền mã hoá và đầu tư làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ “an toàn của tài sản” của nhà đầu tư. Điều này cũng có thể tạo mầm mống cho tội phạm và phá vỡ trật tự tài chính. Cơ quan này khuyến nghị các nhà đầu tư không tham gia và các hoạt động tài chính bất hợp pháp để tránh bị lừa.

Nam Khánh