|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia Nhật đã đến Việt Nam để kiểm dịch vải thiều xuất khẩu

20:14 | 03/06/2020
Chia sẻ
Chiều nay (3/6), chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để giám sát quá trình khử trùng vải thiều để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường nước này.

Chiều 3/6, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đã kí công văn gửi Bộ Công thương để thông tin về việc xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản.

Tại văn bản, Bộ NN&PTNT cho biết đoàn chuyên gia của Nhật Bản vừa đáp xuống sân bay Việt Nam vào lúc 15h30 cùng ngày.

Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan liên quan để đón chuyên gia theo đúng qui định về phòng chống dịch COVID-19. Tham gia đoàn đón có đại diện của Đại sứ quán Nhật Bản.

Trước đó, theo kế hoạch thì vào giữa tháng 4/2020, phía Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra các cơ sở xử lí và trực tiếp giám sát công tác kiểm dịch, xử lí lô vải xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phía Nhật đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra kĩ thuật và đăng kí cho 3 cơ sở xử lí. Số cơ sở này sau đó đã được Cục Bảo vệ thực vật hoàn thành và gửi báo cáo kĩ thuật cho Nhật Bản vào ngày 24/4.

"Đây là lần đầu tiên Việt Nam tự thiết kế và xây dựng hệ thống chamber khử trùng thương mại và phía Nhật Bản cũng chưa có kinh nghiệm giám sát khử trùng quả vải bằng chamber tương tự.  

Do đó, khi hoàn thành đăng kí các cơ sở xử lí này thì hai cơ quan kiểm dịch tiếp tục trao đổi và đã thống nhất các vấn đề về qui trình và thông số kĩ thuật liên quan đến công tác xử lí quả vải tươi", Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết.

Đến ngày 14/5, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức buổi họp trực tuyến với Cơ quan kiểm dịch thực vật của Bộ Nông – Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) và Đại sứ quán Nhật Bản để thống nhất các vấn đề về đặc cách phái cử chuyên gia kiểm dịch thực vật sang Việt Nam; giải pháp kĩ thuật; kế hoạch xuất khẩu; phương án đón tiếp, cách li và chi trả kinh phí cho chuyên gia.

Sau cuộc họp trên, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản và các cơ quan liên quan của Việt Nam như Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, Bộ Ngoại giao, Hàng không Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang... để tạo điều kiện cho chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản sớm sang Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản trình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, để xin phép được áp dụng cơ chế đặc biệt về thời gian cách li đối với chuyên gia của Nhật Bản.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra và đăng kí cơ sở xử lí và tháo gỡ khó khăn xuất khẩu vải thiều tươi, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và có đề xuất “tạm thời ủy quyền cho các đơn vị giám sát độc lập”.

Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật cho biết đề xuất này hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế và qui định pháp luật của Việt Nam về kiểm dịch thực vật. Việc cung cấp thông tin như vậy gây ra nhiều hiểu lầm cho các bên liên quan cũng như không phù hợp với tiến độ đàm phán.


Như Huỳnh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.