|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hậu COVID-19, vải thiều Lục Ngạn sẽ được bán online từ tháng 6

12:01 | 01/06/2020
Chia sẻ
Theo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) dự kiến sàn giao dịch sẽ được triển khai vào đầu tháng 6 này. Đây là một trong những giải pháp phù hợp, đặc biệt khi dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, khiến các thương nhân nước ngoài khó sang mua vải trực tiếp.

Nhằm đa dạng hóa kênh bán và quảng bá sản phẩm vải thiều tới các thị trường trong và ngoài nước, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có chủ trương thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử vải thiều Lục Ngạn năm 2020, báo Bắc Giang đưa tin.

Đây là lần đầu tiên Lục Ngạn triển khai sàn thương mại điện tử vải thiều Lục Ngạn, là một trong những giải pháp phù hợp, đặc biệt trong điều kiện dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, khiến các thương nhân nước ngoài khó sang mua vải trực tiếp tại Lục Ngạn. 

Theo UBND huyện Lục Ngạn, dự kiến sàn giao dịch sẽ được khai trương vào đầu tháng 6 này.

Theo đó, UBND huyện Lục Ngạn giao cho Hội Nông dân huyện và Hội tiêu thụ sản xuất vải thiều Lục Ngạn phối hợp với Công ty cổ phần Logistics những ngôi sao liên kết Stars link, TP HCM tập huấn cho 90 người là cán bộ hội nông dân các xã, thị trấn, các ngân hàng như ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Giang 2, Vietcombank (tại Lục Ngạn) và đại diện các HTX, thương nhân sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện.

Các đối tượng được công ty hướng dẫn các giải pháp như bảo quản lạnh hàng nông sản đóng hộp; vận tải đa phương thức; xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng Trung Quốc, EU, Nhật Bản… 

Đồng thời nắm những thông tin tổng quan về sàn giao dịch vải thiều Lục Ngạn, các kĩ năng quản lí, giám sát hoạt động của sàn; làm thế nào để tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo được niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, đáp ứng cho nhu cầu hoạt động kinh doanh tại đơn vị.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, năm 2020, huyện duy trì gần 15.300 ha vải thiều, trong đó vải chín sớm khoảng 2 nghìn ha. Do thời tiết không thuận lợi nên tỉ lệ vải ra hoa chỉ đạt khoảng 65% diện tích. Diện tích vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP đạt 11.000 ha, GlobalGAP khoảng 100 ha.

Dự báo, sản lượng đạt trên 85.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 18.000 - 20.000 tấn. Hiện toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 415 tấn vải chín sớm, giá bán ở mức cao, trung bình từ 30.000 - 35.000 đồng/kg... Vải chính vụ thu hoạch từ giữa tháng 6 tới.

Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp đăng kĩ mã vườn trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, gồm: Công ty A.meii, Công ty Chánh Thu và Công ty Xuất nhập khẩu Toàn Cầu.

Như Huỳnh