|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: 'Mặt bằng lãi suất năm nay có thể giảm về 8,5%, đừng mong quay lại thời tiền rẻ'

16:38 | 25/03/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020-2021. Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1% nữa tức là còn 8,5%.

Sáng 23/3 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,25 điểm % nâng lãi suất từ khoảng mục tiêu 4,5 – 4,75% lên 4,75 – 5%. Bình luận về động thái này, các chuyên gia cho rằng, việc Fed tăng lãi suất 0,25 điểm % không phải điều gì quá bất ngờ bởi đã được dự báo từ trước.

Tuy nhiên, việc sụp đổ của một các ngân hàng lớn trên thế giới bắt đầu từ Silicon Valley Bank khiến giới chuyên gia nhận định Fed có thể sẽ không tăng lãi suất trong đợt này.

Với đợt tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 3/2022, có thể Fed đánh giá việc sụp đổ của các ngân hàng này không tác động quá lớn với hệ thống tài chính và vẫn ưu tiên cho mục tiêu ổn định lạm phát.

Fed nâng lãi suất 9 lần liên tiếp trong một năm từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023. (Ảnh: Đức Quyền).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, dự báo trong năm nay, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất khoảng một, hai lần nữa và giữ nguyên ở đỉnh do mức lãi suất hiện nay đã tương đối cao so với mức lịch sử của Mỹ.

Theo chuyên gia, việc Fed dừng tăng lãi suất sẽ tạo dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam chuyển từ thắt chặt sang mở rộng.

"Quan trọng là chỉ báo tỷ giá, hiện nay, VND có xu hướng tăng so với đồng USD tạo tín hiệu tốt để cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua dự trữ ngoại hối và đồng thời bơm tiền ra cho nền kinh tế", ông Huân nói. 

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: Fullbright).

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng nhận định, việc  Fed tăng lãi suất 0,25 điểm % nhưng USD vẫn không mạnh lên là bởi thị trường nhận định đây vẫn là một phương án nhẹ tay của Fed trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác vẫn phải chạy đua lãi suất.

"Trong các đồng tiền, sắp tới USD sẽ là đồng tăng lãi suất ít nhất điều này khiến tỷ giá không có quá nhiều biến động", ông Thành nhận định.

Nguyên nhân thứ hai là do những vụ sụp đổ ngân hàng vừa rồi nên thanh khoản đồng USD lại được đẩy mạnh ra bởi các ngân hàng trung ương cam kết nếu như hệ thống ngân hàng trên toàn cầu yếu về thanh khoản USD thì đều có thể tiếp cận.

Như vậy, khi thanh khoản USD bơm ra sẽ khiến áp lực lên tiền đồng không lớn. Đây là một yếu tố quan trọng để ngân hàng Nhà nước có dư địa bơm thêm tiền ra nền kinh tế, ông Thành chỉ ra.

Mặc dù vậy, chuyên gia cũng nhấn mạnh, từ giờ đến tháng 5, nếu hệ thống tài chính của Mỹ ổn định trở lại, lạm phát nóng là áp lực tăng lãi suất của Fed lại mạnh thêm.

Lãi suất tiền gửi có thể hạ xuống 8,5%

Với mặt bằng lãi suất ở Việt Nam, ông Thành dự báo, từ giờ đến cuối năm lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhưng không quay về mặt bằng lãi suất như trong thời gian COVID-19. "Tức là thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020-2021", ông Thành nói.

Ông nhận định, trong thời gian COVID-19 lãi suất tiền gửi khoảng 7,5% và đến thời điểm cuối năm ngoái lên tới 10,5% và giờ hạ được khoảng 1% xuống còn 9,5%.

"Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1% nữa tức là còn 8,5%. Lãi suất sẽ có tính trồi sụt chứ không phải chỉ theo đà giảm, nhưng chắc chắn khó có thể trở lại mức 7,5% kể cả trong những năm tới", chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.

Một điểm quan trọng nữa theo ông Thành là khả năng tiếp cận tín dụng. NHNN có thể sẽ đưa mức dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD, khi mua được USD để dữ trữ một phần cũng bơm tiền đồng ra và giúp thanh khoản đỡ khó khăn.

Quan trọng nhất là thanh khoản dồi dào thì khi lãi suất tiền gửi giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm theo tạo tác động tích cực cho nền kinh tế, chuyên gia cho hay.

Bơm thêm thanh khoản cho các NHTM nhỏ để hạ lãi suất đồng đều

TS. Nguyễn Hữu Huân,Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: NVCC).

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, đây là thời điểm NHNN có thể nới lỏng chính sách tiền tệ từ từ và góp phần giảm lãi suất cho toàn hệ thống, tuy nhiên ông khuyến nghị, bước đi này cần thận trọng và không nên quá nóng vội để giảm lãi suất bằng mọi giá.

"Bởi nếu giảm lãi suất quá mạnh trong khi lãi suất ở Mỹ vẫn đang cao, dòng vốn có khả năng đảo chiều", ông Huân nói

Khi dòng vốn đảo chiều sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến tỷ giá và làm cho các biến số vĩ mô của nền kinh tế gặp trục trặc. Mặc dù lãi suất trong nước đang khá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên việc giảm lãi suất không thể theo ý chí chủ quan mà còn phải dựa vào tín hiệu của thị trường, chuyên gia phân tích.

Theo ông Huân, động thái của NHNN hiện nay là phù hợp, giảm từ từ chứ không phải giảm đột ngột. Tuy nhiên, cần xem xét hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nhỏ bởi hiện đang có một sự phân hoá về thanh khoản giữa các nhóm ngân hàng.

Sau vụ việc của SCB, một lượng vốn lớn từ các ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ đã chạy sang NHTM lớn. Điều này làm cho các NHTM nhỏ đang khó khăn về thanh khoản lại càng khó khăn hơn. Ngược lại, các ngân hàng lớn thanh khoản hiện đang rất dồi dào.

Vì vậy, NHNN nên cân nhắc thêm để bổ sung thanh khoản cho các NHTM đang khó khăn để hạ mặt bằng lãi suất của cả thị trường. Bởi khi chỉ các ngân hàng lớn giảm lãi suất còn các ngân hàng nhỏ không giảm thì gây ra hiện tượng khách hàng phải chi thêm hoa hồng ngoài, chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn cao.

"Chỉ khi lãi suất của tất cả hệ thống ngân hàng đều giữ một mặt bằng thấp chung thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế mới thực sự được hỗ trợ", TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá.

Hạ An