|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Cấn Văn Lực: Fed phát đi tín hiệu sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ không nằm ngoài dự đoán

15:21 | 23/03/2023
Chia sẻ
TS. Cấn Văn Lực, việc tăng lãi suất lần này của Fed cũng nằm trong tiên lượng, trong tính toán của cơ quan điều hành và nhà đầu tư, nên sẽ tác động không đáng kể. Áp lực lãi suất và tỷ giá đã giảm đi rất nhiều so với cuối năm 2022 và đầu năm nay.

Rạng sáng 23/3 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) quỹ liên bang lần thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 3/2022, từ khoảng mục tiêu 4,5 – 4,75% lên 4,75 – 5%.

Trong cuộc họp rạng sáng 23/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói:"Chúng tôi không còn tuyên bố rằng việc tăng lãi suất liên tục sẽ phù hợp để dập tắt lạm phát".Cơ quan này cũng cho biết, dự định nâng lãi suất lên mức 5,1% vào cuối năm nay, tức là chỉ còn một lần tăng thêm 25 điểm cơ bản.

Fed sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu đến, đánh giá cẩn trọng tác động thực tế và dự kiến của các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh tế, thị trường lao động và lạm phát".

Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ sớm đúng như dự đoán

Bình luận về động thái của Fed, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, lần tăng lãi suất này đúng như kỳ vọng của đa số nhà đầu tư, giới chuyên gia.

Có ý kiến cho rằng là Fed vẫn tiếp tục quan điểm "diều hâu" (thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát) bất chấp bất ổn thị trường ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ vừa qua. Song thực tế là không hẳn như vậy, Fed tăng lãi suất lần này là bước đi cần thiết, được tính toán rất thận trọng, đa chiều, đa mục tiêu hơn, TS. Lực nhìn nhận.

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Fed có thể sẽ tăng lãi suất đến mức 5,25% và có thể cao hơn khi các động lực khiến lạm phát hạ nhiệt chưa thực sự hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành dự báo, còn hai lần tăng lãi suất nữa là vào tháng 3 và tháng 5. Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó lãi suất sẽ duy trì ở mức đỉnh 5-5,25% cho đến cuối năm 2023 trong điều kiện lạm phát giảm mạnh vào tháng 2.

Ông Thành cho hay, "khe cửa hẹp" vào tháng 5 là cơ hội để NHNN giảm mạnh lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp do áp lực tỷ giá qua đi. Đây cũng là thời điểm để thay đổi chính sách, ổn định vĩ mô.

 Fed nâng lãi suất 9 lần liên tiếp trong một năm từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023. (Ảnh: Đức Quyền).

Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức 6% trong tháng 2 là nguyên nhân khiếnnhiều chuyên gia cũng dự báo sẽ còn hai, ba đợt tăng nữa, qua đó đẩy mặt bằng lãi suất cơ bản lên gần 6% vào cuối năm 2023.

Bà Trần Thị Hà My, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô VDSC cũng dự báo lạm phát Mỹ sẽ duy trì ở mức cao 6 - 6,5% ít nhất trong nửa đầu năm 2023 khiến lãi suất cũng ở mức cao đến hết năm nay và phải sang đến năm 2024 mới có xu hướng giảm. 

Trong kịch bản xấu, Fed có thể tăng lãi suất lên 6% khi ‘vòng xoáy’ lương, tiền ở Mỹ mạnh hơn, chỉ số giá tiêu dùng và tăng lương ở đâu đó khoảng 5-6%, còn hiện tại vẫn đang chấp nhận được, bà My nhìn nhận. 

Tuy nhiên, sự kiện các ngân hàng Silvergate, Signature và Silicon Valley Bank đồng loạt sụp đổ, Fed đã phải thay đổi quan điểm. Ngay sau cuộc sụp đổ của Silicon Valley Bank, TS. Cấn Văn Lực đã nhận định nhiều khả năng Fed sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tăng lãi suất theo hướng tăng ít hơn và có thể dừng lại trong quý II/2023.

Tăng lãi suất 0,25 bps giúp Fed đạt được ba mục tiêu

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Hạ An).

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc tăng 0,25 bps giúp Fed đạt được ít nhất ba mục tiêu: Tiếp tục kiên định cuộc chiến chống lạm phát dù đã có sự điều chỉnh.

Nguyên nhân là do lạm phát vẫn ở mức cao, lạm phát tổng thể vẫn là 6% tháng 2/2023 so cùng kỳ năm trước; lạm phát có tính đến tâm lý chi tiêu – PCE vẫn tăng 5,4% so cùng kỳ và còn xa mục tiêu 2%. Thứ hai, mức tăng này cũng đã tính đến bất ổn thị trường ngân hàng tại Mỹ và toàn cầu gần đây bởi nếu không có sự kiện SVB sụp đổ Fed có thể tăng lãi suất đến 0,5 điểm %. Và thứ ba là, nhằm bảo vệ uy tín chính sách của Fed.

Chuyên gia định nhận định, trong cuộc họp lần này, Fed cũng đã thay đổi quan điểm theo hướng bớt diều hâu hơn, linh hoạt hơn. Biên bản cuộc họp cho thấy Fed không chỉ có mục tiêu chống lạm phát mà cũng đã tính đến "điều kiện thị trường" tài chính, ngoài yếu tố việc làm như lâu nay.

Theo đó, khả năng cao là Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa khoảng 0,25 điểm % trong kỳ họp tháng 5 hoặc tháng 6/2023.

Mặc dù, Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất song theo TS. Cấn Văn Lực, việc tăng lãi suất lần này của Fed cũng nằm trong tiên lượng, trong tính toán của cơ quan điều hành và nhà đầu tư, nên sẽ tác động không đáng kể. 

"Vấn đề là tâm lý và phản ứng của nhà đầu tư, người gửi tiền ở Mỹ và toàn cầu trong những ngày tới có thể vẫn còn xáo trộn, có tác động nhất định đối với thị trường tài chính Việt Nam. Dù sao, áp lực lãi suất và tỷ giá đã giảm đi rất nhiều so với cuối năm 2022 và đầu năm nay", ông Lực cho biết.

Chuyên gia cũng cho rằng, những động thái chính sách quyết liệt, nhanh chóng, đồng thuận khá cao chưa từng có, truyền thông mạnh mẽ của giới chức Mỹ và Thụy Sỹ những ngày qua cùng với động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed, cộng với đó là nền tảng hệ thống ngân hàng Mỹ và Châu Âu vững chắc hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng trước đây,việc hy vọng nền kinh tế, thị trường tài chính Mỹ và Châu Âu có thể "hạ cánh mềm", vượt qua được cú sốc là có cơ sở.

Hạ An