|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng khó về mốc 1.900 USD/ounce bất chấp 'lực đỡ' từ lạm phát và nhu cầu tăng vào cuối năm

06:30 | 28/07/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nhu cầu vàng trong những tháng cuối năm tại một số quốc gia tăng cao do tập quán cưới hỏi, mua sắm vàng cưới của người dân, trong khi giá vàng đang bị đẩy xuống do tác động của đồng USD và kỳ vọng Ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất. Hai xu hướng ngược nhau này có thể làm "trung hòa" diễn biến giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá vàng khả năng vẫn ở mức thấp.

Vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn, vàng SJC bất ngờ lao dốc thẳng đứng và liên tục biến động mạnh trong suốt tuần giao dịch từ 18/7 - 23/7. Đây có thể xem là một tuần đầy sóng gió của thị trường vàng kể từ đợt lập đỉnh hồi tháng 3.

Và liệu từ đây đến cuối năm, thị trường vàng sẽ còn có thể gặp những biến cố nào? Khả năng phục hồi về đỉnh ra sao? Để trả lời những câu hỏi này, người viết đã có cuộc trò chyện với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

 Diễn biến giá vàng SJC trong những tháng đầu năm 2022. (Nguồn: tygia.vn)

Thưa ông, thị trường vàng vừa trải qua một tuần đầy sóng gió khi vàng thế giới về sát mốc 1.700 USD/ounce còn vàng trong nước cũng giảm sâu xuống mức 60 triệu đồng/lượng. Ông đánh giá như thế nào về đợt biến động này?

- Giá vàng thế giới đang dao động mạnh bởi sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân đồng USD tăng cao. Việc Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát đã đẩy giá trị đồng USD tăng lên nhưng ngược lại giá vàng lại đi xuống. Trong 7 tháng qua, những biến động về chính trị, kinh tế trên thế giới như căng thẳng giữa Nga và Ukraine, đã làm giá vàng bật lên cùng với việc đồng USD tăng giá đã khiến giá vàng có đợt biến động mạnh như tuần vừa qua.

Như vậy, trong những tháng còn lại của năm, giá kim loại quý liệu có thể tăng trở lại? 

- Từ đây đến cuối năm, dự báo tình hình vẫn sẽ biến động mạnh, do Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất khiến giá trị đồng USD tăng và đồng thời đẩy giá vàng giảm xuống.

Tại thị trường trong nước, vàng SJC và thế giới chưa có sự liên thông với nhau, nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước và thế giới tăng giảm không đồng đều. Bởi chỉ có Ngân hàng nhà nước là đơn vị duy nhất có thể mua vàng từ nước ngoài, khiến giá vàng trong nước dù có xu hướng chung nhưng vẫn chênh lệch nhiều với vàng thế giới. Dù vậy, nhìn chung khả năng vàng trong nước cũng sẽ biến động theo thị trường thế giới từ đây đến cuối năm. 

 Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng. (Ảnh: báo Đại đoàn kết)

Có thể thấy, những diễn biến xấu của thị trường vàng thời gian qua là do các nước siết chặt chính sách tài khoá, nâng lãi suất, đặc biệt là Mỹ nhằm kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh các yếu tố lạm phát vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Trung Quốc và Ấn Độ vào mùa cưới cuối năm thường sẽ tăng, các yếu tố này có đủ sức “cân” với tác động của việc FED và ngân hàng Trung ương các nước lớn tăng lãi suất không?

- Nhu cầu vàng trong những tháng cuối năm tại một số quốc gia tăng cao do tập quán cưới hỏi, mua sắm vàng cưới của người dân, trong khi giá vàng đang bị đẩy xuống do tác động của đồng USD và kỳ vọng Ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất. Hai xu hướng ngược nhau này có thể làm "trung hòa" giá vàng trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, giá vàng khả năng vẫn ở mức thấp, trừ trường hợp trên thế giới có nhiều biến động mạnh như căng thẳng quân sự của Nga - Ukraine, chính sách chống lạm phát của các Chính phủ, đặc biệt là Mỹ. 

Tại Việt Nam, vào dịp lễ, tết cuối năm cũng là mùa cao điểm của thị trường vàng, theo ông, việc nhu cầu tăng có khiến giá vàng SJC đi ngược xu hướng vàng thế giới?

- Tại Việt Nam, người dân thường lựa chon những thương hiệu vàng ưa thích để tích lũy hoặc mua sắm phục vụ các dịp lễ, tết, cưới hỏi vào cuối năm khiến nhu cầu tăng cao, điều này sẽ không phù hợp với những người muốn "ăn sỏi ở thì", cầu ăn may khi mua vào - bán ra nhanh chóng, khiến họ chịu cảnh lỗ nặng.

Tuy nhiên, nói về xu hướng điều chỉnh giá, thị trường vàng trong nước thường không thể tách rời hoàn toàn với thị trường thế giới, mà nó như "một bình thông nhau với mực nước cân bằng", đồng nghĩa với việc sẽ có sự biến động tương đồng nhau.  

Nhìn về lịch sử giá, vàng thế giới đã rơi từ mức đỉnh khoảng 2.040 USD/ounce thiết lập hồi tháng 3 xuống còn khoảng 1.700 USD/ounce. Theo ông, giá kim loại quý thế giới có thể lấy lại mốc kỷ lục này trong khoảng thời gian còn lại của năm?

- Với những yếu tố vừa phân tích, tôi cho rằng vàng sẽ khó trở lại định hơn 2.000 USD/ounce từ đây đến cuối năm, thậm chí cũng sẽ khó vươn lên mức 1.900 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng tuy có hồi trở lại nhưng cũng nhanh chóng quay đầu giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại . Điều này cũng đã kéo vàng SJC tụt giảm theo.

Thông thường vàng SJC có độ trễ so với vàng thế giới, nhưng trong các phiên gần đây, dường như diễn biến khá song song với nhau. Xin ông lý giải cho vấn đề này?

- Vàng trong nước và vàng thế giới thường có độ trễ nhưng thời điểm này, biến động mạnh trên thế giới ở nhiều phương diện khiến giá vàng trong nước diễn biến nhanh hơn, đi theo cùng nhịp với vàng thế giới hơn bình thường. Do đó, khi giá vàng thế giới đi xuống, khả năng vàng trong nước cũng sẽ giảm, còn ngược lại ở chiều hướng tăng, vàng trong nước sẽ có một độ trễ nhất định.

Tại sao khi xuống cùng "nhịp" nhưng khi vàng thế giới lên, vàng trong nước lại có độ trễ?

- Do vàng trong nước vượt quá xa vàng thế giới, chênh lệch có lúc đến 20 triệu đồng/lượng. Với khoảng cách xa như vậy, khi vàng thế giới tăng thì vàng trong nước khó tăng theo cùng nhịp, nhưng mức tăng đó cũng đã nằm trong mức chênh lệch cao đó nên việc tăng trễ cũng không khiến vàng trong nước rẻ hơn vàng thế giới.

Như vậy, nhà đầu tư nên cần có chiến lược như thế nào để hưởng lợi tốt hơn trong thời gian tới?

- Nếu đầu tư vàng lâu dài, khoảng 5 năm trở lên thì giá vàng bao giờ cũng lên, do đó, kênh vàng sẽ phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn. Trong khi đó, nếu chỉ muốn đầu tư vài tháng, thì giá vàng rất bấp bênh, nên với nhà đầu tư ngắn hạn sẽ rất "nguy hiểm". Do đó, cần giữ vàng ít nhất khoảng 6 tháng đến một năm và xem xét thị trường như thế nào trước khi có ý định bán ra, để tránh những rủi ro do biến động của yếu tố thị trường.

Xét về các kênh đầu tư hiện nay, chứng khoán và bất động sản đều là những kênh không ổn định vào lúc này, trong khi ngoại tệ mặc dù dự báo sẽ tiếp tục tăng do lạm phát và tình hình kinh tế nhưng nó chỉ phù hợp với một số nhà đầu tư có giấy phép kinh doanh hợp pháp.

Còn lại, với tiền gửi ngân hàng đang thu hút nhiều nguồn tiền do các chính sách tăng lãi suất nhưng đây vẫn là kênh có lợi nhuận thấp nhất do ít rủi ro, đồng nghĩa kém hấp dẫn. Nhưng với vàng, đây là kênh có khả năng "thắng lớn" nhưng phải dài hạn, còn trong ngắn hạn nó là kênh rủi ro hơn tất cả kênh đầu tư còn lại như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ và tiền gửi ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Như Huỳnh

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.