|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyên gia, người trong cuộc tiết lộ nguyên nhân sụp đổ của GoBear, nền tảng tài chính từng tăng trưởng nóng tại Việt Nam

06:56 | 22/01/2021
Chia sẻ
Tham vọng trở thành nền tảng tài chính toàn diện của GoBear kết thúc khi nguồn vốn cạn dần.

Thông tin GoBear đóng cửa vào đầu tháng 1 khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhất là khi startup công nghệ tài chính Singapore này chỉ vừa mới gọi thành công 17 triệu USD đầu tư hồi tháng 5 năm ngoái.

GoBear cũng từng là một cái tên khá đình đám tại thị trường Việt Nam, khi tuyên bố doanh thu tăng trưởng 260% ở thời điểm năm 2019.

Khi không thể gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư mới cũng như nhà đầu tư hiện hữu, trang so sánh dịch vụ tài chính – hay "siêu thị tài chính" như cách mà GoBear muốn thị trường biết tới – buộc phải dừng hoạt động.

Đằng sau cú sụp đổ bất ngờ của GoBear: Ra mắt hàng loạt sản phẩm ở thời điểm không thể tệ hơn - Ảnh 1.

GoBear chính thức hoạt động tại Việt Nam từ cuối năm 2016 (Ảnh: TechInAsia).

Trước đó, GoBear đặt mục tiêu trở thành một nền tảng dịch vụ tài chính toàn diện. Thế nhưng, công cuộc chuyển dịch dường như quá khó khăn giữa đại dịch COVID-19. Trong năm 2020, GoBear ra mắt một số sản phẩm bảo hiểm du lịch. Thế nhưng, khi việc di chuyển toàn cầu đóng băng vì COVID-19, kế hoạch của GoBear cũng đổ bể.

GoBear đồng thời đẩy mạnh dịch vụ cho vay trên kênh số sau khi thâu tóm nhân hàng số AsiaKredit hồi tháng 5 năm ngoái. Cả hai khoản đầu tư trên, nếu thành công, chắc chắn sẽ chuyển đổi startup 6 năm tuổi thành một dịch vụ không chỉ dừng lại ở website so sánh.

Dù vậy, việc thiếu tập trung trong đại dịch COVID-19 đã khiến các nhà đầu tư lo lắng. "Tôi nghĩ họ đã cố gắng làm quá nhiều thứ", ông Vinod Nair, CEO và người sáng lập trang so sánh dịch vụ tài chính MoneySmart, nói với TechInAsia.

"Họ hoạt động ở 7 thị trường trong khu vực… nhưng họ không đạt được vị trí số 1 hay số 2 ở bất kì thị trường nào", ông Nair nói thêm.

Trong một email gửi tới TechInAsia, Argon, một nhà đầu tư của GoBear, chia sẻ: "Sau một vài cuộc thảo luận với tất cả các nhà đầu tư hiện hữu và chủ sở hữu của GoBear, chúng tôi quyết định dừng vận hành và đóng cửa hoạt đọng kinh doanh". Aegon là một công ty bảo hiểm nhân họ, hưu trí và quản lí tài sản đa quốc gia của Hà Lan.

Chuyển hướng giữa đại dịch

Đằng sau cú sụp đổ bất ngờ của GoBear: Ra mắt hàng loạt sản phẩm ở thời điểm không thể tệ hơn - Ảnh 2.

GoBear CEO Adrian Chng (Ảnh: GoBear).

Các trang so sánh giá, phí như GoBear, MoneySmart, SingSaver, và ValueChampion giúp ngân hàng và các định chế tài chính có thêm khách hàng. Thông thường, chúng thu một khoảng phí cho mỗi khách hàng giới thiệu hoặc đăng kí thành công.

Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp hoặc giảm lương, thưởng do đại dịch COVID-19, việc mở thẻ tín dụng hoặc mua bảo hiểm dường như là thứ cuối cùng mà nhiều người muốn làm.

Theo thông tin chính thức từ GoBear, nhu cầu dịch vụ và sản phẩm tài chính yếu đi trong thời gian quá dài, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm du lịch, là lí do chính khiến GoBear đóng cửa.

Dù vậy, GoBear không phải cái tên duy nhất chịu ảnh hưởng. "Chúng tôi cũng gặp phải thách thức tương tự với GoBear khi nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm tài chính giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020", ông Nair của MoneySmart chia sẻ.

Khi di chuyển toàn cầu đóng băng, nhu cầu bảo hiểm du lịch nhanh chóng cạn kiệt. Bảo hiểm du lịch "là một trong những trụ cột doanh thu của chúng tôi và về cơ bản thì nó đã biến mất", ông Nair nói thêm

Cùng quan điểm, ông Duckju Kang, CEO ValueChampion, cho biết nhu cầu cho một số sản phẩm đặc thù như thẻ tín dụng du lịch hay bảo hiểm du lịch "giảm mạnh". Bảo hiểm là phân khúc sản phẩm chiếm một phần ba tổng doanh thu của ValueChampion. Mảng thẻ tín dụng chiếm một phần ba, trong khi đó phần còn lại đến từ sản phẩm cho vay và đầu tư, ông Kang tiết lộ.

"Lúc khó khăn, khách hàng tìm kiếm các sản phẩm tài chính mang đến các lợi ích và chi phí tốt nhất", ông Prashant Aggarwal, giám đốc thương mại của CompareAsiaGroup, nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, nhu cầu thẻ tín dụng và khoản vay cá nhân tăng mạnh. Nhu cầu thông tin liên quan đến chứng khoán và đầu tư cũng được đón nhận tích cực trên các website của CompareAsiaGroup, ông Aggarwal quan sát.

 "Chúng tôi chuyển hướng để định hướng người dùng về các sản phẩm khác phù hợp với nhu cầu hơn như thẻ tín dụng hoàn tiền. Ở mảng cho vay, người dùng tìm kiếm thông tin về các khoản vay nhỏ, vì thế chúng tôi chọn chiến lược nội dung xoay quanh sản phẩm này và những gì phù hợp với nhu cầu cá nhân nhất", ông nói thêm. 

Bên cạnh đó, CompareAsiaGroup đầu tư mạnh vào đẩy tăng trưởng cho eKos Connect, một sản phẩm ra mắt vào năm 2019 giúp các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thúc đẩy chuyển đổi số.

Với MoneySmart, tồn tại đòi hỏi sự sáng tạo. MoneySmart dành nhiều nỗ lực cho các sản phẩm khác như thẻ tín dụng, cho vay cá nhân và vay mua nhà. MoneySmart cũng hợp tác với các đối tác để cung cấp các quà tặng miễn phí hấp dẫn khi đăng kí để có thêm khách hàng mới.

Những nỗ lực trên mang lại trái ngọt. "Những mảng kinh doanh trên giúp chúng tôi bù đắp lại sụt giảm ở mảng bảo hiểm du lịch", ông Nair nói. Với một số sản phẩm, nhu cầu đã bật tăng lên mốc cao hơn cả trước dịch COVID-19.

Sau nửa đầu năm khó khăn, MoneySmart có đợt phục hồi tích cực trong nửa sau năm 2020 khi doanh thu tăng ít nhất 50% so với cùng kì năm 2019.

Về phần mình, ValueChampion tăng trưởng trong đại dịch khi nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm khác liên quan đến tiết kiệm, sức khoẻ và đầu tư tăng vọt. Hồi tháng 12, lưu lượng truy cập website của ValueChampion tăng 30% đến 40% so vứi cùng kì năm ngoái.

Các trang so sánh tài chính đòi hỏi một đội ngũ phát triển nội dung tốt để thu hút lưu lượng truy cập tự nhiên. Trong khi đó, đội ngũ marketing cũng cần có kinh nghiệm trong việc tối ưu nội dung và website cho các cỗ máy tìm kiếm. Ngoài ra, họ cần xây dựng các hệ thống giá thông minh để tối ưu biên lợi nhuận và giảm mức phí thâu tóm khách hàng về mức thấp nhất có thể.

"GoBear có thể không đầu tư đủ để phát triển các năng lực này", người đứng đầu MoneySmart nhận định.

Đúng sản phẩm, sai thời điểm?

Về lí thuyết, GoBear, giống nhiều trang so sánh giá khác, có nhiều thông tin và dữ liệu về người dùng. Nếu GoBear tận dụng các thông tin này và làm việc với các đối tác để xác định các khoảng trống của thị trường, nó có thể tạo ra những sản phẩm mà người dùng cần nhưng chưa được thị trường đáp ứng. Dù vậy, đây là chiến lược đòi hỏi rất nhiều đầu tư.

Khi tung ra các sản phẩm của riêng mình, GoBear cũng đối đầu với các công ty bảo hiểm với sản phẩm tương tự mà GoBear đang giúp phân phối trên website của mình.

"Nó không khác gì Amazon bán những dòng sản phẩm mang thương hiệu của chính mình. Để làm được, bạn cần có vị thế vững chắc trong mắt người dùng… Tôi không chắc GoBear đạt đến mức độ này", một chuyên gia nói với TechInAsia.

"Chúng tôi tin rằng các trang so sánh tài chính sẽ biến đổi thành các nền tảng tài chính số toàn diện mà ở đó người dùng có thể dùng các công cụ so sánh để tìm các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình và quản lý các sản phẩm tài chính họ mua trên một nền tảng duy nhất", ông Aggarwal của CompareAsiaGroup nói.

Mặc dù ra mắt dòng sản phẩm bảo hiểm riêng là một điều SmartMoney đang nghiên cứu, ông Nair nói rằng điều này sẽ không sớm xảy ra. "Chúng tôi tập chung vào các mảng kinh doanh cốt lõi mà mình biết sẽ hiệu quả", ông khẳng định.

Quá nhiều, quá nhanh

Một chuyên gia chia sẻ với TechInAsia rằng việc GoBear ra mắt quá nhiều sản phẩm bên ngoài mảng kinh doanh cốt lõi của mình khiến việc chuyển đổi thêm phần thách thức.

"Ban đầu, họ là một khu chợ tài chính kết nối sản phẩm với người dùng. Đến năm 2019, họ mở rộng sang mảng bảo hiểm và sau đó là cho vay… Theo tôi, GoBear mất đi tính tập trung", ông nhận định.

Khi đại dịch bùng phát, các đối thủ của GoBear nhẹ nhàng chuyển nguồn lực vào các sản phẩm như thẻ tín dụng và cho vay. Ngược lại, GoBear ra mắt tới 2 sản phẩm bảo hiểm du lịch là Go Travel (hợp tác cùng Chubb) và Travel Buddy (hợp tác cùng Aliianz).

GoBear cùng trình làng bảo hiểm làm việc từ xa để bảo vệ người dùng khỏi các rủi ro về an ninh mạng.

Hồi tháng 9, GoBear sa thải 10% trong tổng số định biên 200 nhân sự của mình đồng thời tập trung vào mảng cho vay và bảo hiểm trên kênh số để kiểm soát chi phí. Nỗ lực đã đến quá muộn.

Trong chia sẻ với truyền thông, ông Chng, CEO GoBear, nói rằng ông biết ơn tất cả những đóng góp của nhân viên và đối tác dành cho GoBear. Một nguồn tin giấu tên nói rằng GoBear đã đóng cửa một cách đạo đức khi trả lương đầy đủ và hoàn thành đầy đủ các nghĩa với đối tác. "Họ đóng cửa nhưng ngẩng cao đầu", người này chia sẻ.

Thái Sơn