|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà sáng lập GoBear: Phải làm điều thực sự có giá trị với khách hàng

20:13 | 14/11/2016
Chia sẻ
Chỉ trong 2 năm, hơn 4 triệu người đã sử dụng GoBear - công cụ trực tuyến đầu tiên của châu Á hỗ trợ người dùng tìm kiếm thông tin liên quan đến các sản phẩm tài chính. Công cụ này được thiết lập dựa trên một nền tảng đơn giản để khách hàng có thể tự do, thoải mái lựa chọn các sản phẩm tài chính phức tạp như bảo hiểm, thẻ tín dụng và các khoản vay.

Phía sau công ty được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á này là Andre Hesselink, một gương mặt nổi bật trong giới startup.

Khi ý tưởng bắt đầu từ sự thất vọng

Bắt đầu hoạt động vào năm 2015 ở Singapore, GoBear là một liên doanh giữa Walvis, một quỹ cổ phần tư nhân của gia đình Fentener van Vlissingen. Với mức tăng trưởng 50% hàng tháng, GoBear đã mở rộng đến 6 thị trường tại Châu Á và dự kiến sẽ vào thị trường Việt Nam cuối năm 2016.

Trước khi thành lập GoBear, Andre Hesselink từng mở công ty nhỏ để bán bánh gạo Nhật, cùng một vài loại trái cây và hạt sang châu Âu. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, Andre chia sẻ: “Đó là một bài học đáng nhớ. Nó không giúp tôi trở nên giàu có nhưng dạy tôi phải lo toan tất cả các khía cạnh khi vận hành một doanh nghiệp. Tôi làm cùng với hai người bạn và đã cùng nhau trải qua những khó khăn không bao giờ quên được. Mặc dù, thẳng thắn mà nói, công việc kinh doanh đầu tiên đó vẫn chưa thể gọi là thành công".

Đến năm 1989, Andre tìm được thị trường ngách ở lĩnh vực du lịch trực tuyến và thành lập công ty chuyên phân phối vé máy bay. 6 năm sau, công ty trở thành đại lý bán vé trực tuyến lớn mang tên Vliegwinkel.nl. Andre quyết định bán lại công ty nhưng vẫn tiếp tục giữ vị trí CEO trong vòng 5 năm tiếp sau đó. Hiện tại, công ty này được định giá khoảng 400 triệu USD.

nha sang lap gobear phai lam dieu thuc su co gia tri voi khach hang

Andre Hesselink

Những ý tưởng xuất sắc nhất đôi khi lại đến nhờ nhu cầu cấp thiết nhất. Năm 2013, khi muốn mua một gói bảo hiểm xe hơi, Andre Hesselink đã phải trải qua một quá trình phức tạp với nhiều thủ tục cồng kềnh.

“Khi đăng ký bảo hiểm theo hình thức trực tuyến, tôi phải trả lời đến 30 câu hỏi nhưng lại nhận thông báo lỗi vì trả lời sai về công suất. Tôi điền 3.000 cc thay vì đúng ra phải điền 2.979 cc. Đứng về phương diện người dùng, tôi thấy website của hãng bảo hiểm này thật sự không hề thân thiện với khách hàng”, Andre nói.

Sau đó, Andre phải mất tiếp 45 phút liên hệ và đối thoại mới nhận được thông tin từ phía công ty bảo hiểm. Với rắc rối gặp phải, Andre chợt suy nghĩ về việc tạo ra một công cụ trực tuyến hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thông tin liên quan đến bảo hiểm và tài chính. Công cụ này không chỉ nhanh gọn mà còn minh bạch, rõ ràng, khách quan, không mang tính chất quảng cáo hay thúc đẩy việc mua bán sản phẩm. Andre lý giải: “Cha tôi luôn dặn nếu muốn đạt được điều gì trong đời thì bản thân mình phải chăm chỉ và thông minh. Có thể làm thuê cho người khác, nhưng tốt hơn là tự làm cho chính mình. Do đó, tôi quyết định hợp tác một lần nữa với các nhà đầu tư đã mua công ty đầu tiên của mình”.

GoBear - cú đột phá tạo nên công ty fintech hàng đầu châu Á

Trên thực tế, 2016 không phải là một năm sôi động cho giới khởi nghiệp ở châu Á vì những biến động trong thị trường khu vực nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, cũng như ‘lửa thử vàng’, doanh nghiệp nào vượt qua được thời khắc khó khăn này hứa hẹn sẽ tỏa sáng. Và GoBear là một ví dụ.

Andre Hesselink, người lèo lái GoBear, khẳng định công ty may mắn có được sự tin tưởng của các nhà đầu tư chiến lược và đó là một lợi thế lớn.

“Chúng tôi đang đi đúng hướng để chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng, những gì chúng tôi đang làm thật sự có giá trị cho khách hàng. Các nhà đầu tư của GoBear chia sẻ tầm nhìn này và do đó có những cam kết mạnh mẽ để giúp công ty phát triển việc kinh doanh và kế hoạch mở rộng thị trường trong khu vực”, Andre chia sẻ.

Tại Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung, fintech là một xu hướng mới nhưng đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Nó là sự kết hợp các dịch vụ tài chính và công nghệ với nhau để tối ưu hóa trải nghiệm của người sử dụng trong lĩnh vực tài chính như: bảo hiểm, thanh toán di động, chuyển tiền, vay nợ, lập quỹ khởi nghiệp hay thậm chí là quản lý tài sản cá nhân. Nếu như Grabtaxi và Uber là các nền tảng (platform) kết nối người cần di chuyển và người có phương tiện nhàn rỗi thì fintech lại kết nối những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này.

Là một trong những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất ở châu Á, GoBear đang đi tiên phong trong việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm các sản phẩm tài chính của người tiêu dùng. Với định hướng tạo ra một nền tảng, không dùng để bán sản phẩm, GoBear đơn giản là cung cấp cho người sử dụng một quá trình so sánh mang tính minh bạch và riêng tư dựa trên nhu cầu tài chính của họ.

“Điều quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng là những thông tin từ GoBear không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo của các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm hay tài chính”, Andre khẳng định.

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, tính đến thời điểm hiện tại, GoBear được xem là công cụ tìm kiếm tích hợp (tạm dịch từ “meta-search engine”) đầu tiên và mang tính độc lập trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính ở châu Á.

“Có những trang web về so sánh giá nhưng họ có bán sản phẩm kèm theo, chúng tôi thì không. Chúng tôi muốn cung cấp cho người dùng một cái nhìn tổng quan về thị trường tài chính một cách khách quan nhất. Chúng tôi phân loại dữ liệu thông tin theo hướng dễ hiểu nhằm hỗ trợ khách hàng có thể đưa ra quyết định mua bảo hiểm hay các sản phẩm tín tài chính khác một cách có lợi nhất cho họ,” Andre nói.

“GoBear là điểm dừng chân cuối cùng của tôi”

Khi hỏi kế hoạch về hưu, Andre cho biết, ông sẽ đầu tư hết thời gian, sức lực và niềm hứng thú vào GoBear, xem đây như một phần trong những năm tháng về hưu của mình. Andre đặt kỳ vọng, GoBear sẽ hỗ trợ tích cực cho nhu cầu của người tiêu dùng châu Á, bởi họ xứng đáng được hưởng những dịch vụ tiện ích miễn phí.

Doanh nhân người Hà Lan này cũng cho rằng, chúng ta sống trong một thế giới mà sự đột phá xảy ra hàng ngày. Trong thế giới khởi nghiệp đầy tính cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng cho mình một mô hình kinh doanh mang tính đột phá. Với Andre, đột phá đó là việc đặt quyền lợi khách hàng lên trên hết.

“Một mô hình kinh doanh mang tính đột phá tự nhiên sẽ thu hút nhân tài và có phương hướng phát triển rõ ràng, từ đó có khả năng sinh lời cao. Với mục tiêu cuối cùng là giúp người tiêu dùng tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc, tôi và các cộng sự của mình kỳ vọng GoBear có thể phá vỡ những điểm hạn chế của ngành tài chính - vốn được xem là “ngành công nghiệp truyền thống và phức tạp”, Andre chia sẻ.

Một số ý kiến cho rằng, xuất hiện nguy cơ vỡ bong bóng fintech ở châu Á như một sự thoái trào tất yếu sau trào lưu cực thịnh. Dù vậy, Andre tin tưởng, những công ty khởi nghiệp trụ lại được trên thị trường là những doanh nghiệp có thể mang lại giá trị thực cho khách hàng. Theo ông, niềm tin và lòng trung thành của khách hàng là một trong những điều mà tiền không thể mua được và do đó sẽ kéo dài mãi mãi.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Gia An

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.