|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia lý giải vì sao PMI của Việt Nam thấp hơn so với mức trung bình của ASEAN?

10:55 | 21/04/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, chỉ số PMI của Việt Nam giảm về dưới ngưỡng 50 điểm, thấp hơn mức trung bình ASEAN cho thấy các sản phẩm trong nước đang phải cạnh tranh lớn với các sản phẩm tương đồng khác ở các nước trong khu vực.

Dữ liệu từ S&P Global trong kỳ khảo sát tháng 3, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất ASEAN tăng lên 51,1 điểm, từ mức 50,4 điểm trong tháng 2 nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại đã giúp sản lượng tăng nhanh hơn.

Tuy nhiên, PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm về 49,9 điểm sau khi đạt 50,4 điểm trong tháng 2, thấp hơn đáng kể mức trung bình của khu vực ASEAN.

    PMI ngành sản xuất ASEAN tháng 3/2024. (Nguồn: S&P Global). 

Mức tăng PMI của ASEAN được đánh giá chủ yếu là nhờ nhu cầu trong nước chứ không phải nhu cầu trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, nhu cầu nước ngoài tiếp tục dao động. Trên thực tế, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh hơn và đã kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành 22 tháng.

Ở từng quốc gia, tình trạng cải thiện điều kiện kinh doanh chủ yếu tập trung ở ngành sản xuất của Singapore và Indonesia khi PMI của hai nước đều trên ngưỡng 54 điểm. Trong khi đó, Philippines chỉ ghi nhận mức cải thiện hầu như không thay đổi ở mức 50,9 điểm trong tháng 3, so với 51 điểm của tháng trước.

Ngành sản xuất Việt Nam có các điều kiện kinh doanh gần như không thay đổi trong khi ba quốc gia ASEAN còn lại (Thái Lan, Malaysia và Myanmar) ghi nhận suy giảm trong tháng 3.

Năng lực cạnh tranh ở mức thấp

Nhìn nhận dữ liệu này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, chỉ số PMI của Singapore tăng cao là do các mặt hàng mũi nhọn như đồ điện tử, hóa chất và dịch vụ có xu hướng xuất khẩu tăng. Còn tại Indonesia, ngoài xuất khẩu nhiều sang các nước trong khu vực, nhu cầu trong nước của quốc gia này cũng cao hơn các nước khác nhờ dân số đông xếp thứ 4 thế giới và đứng thứ 3 châu Á với hơn 279 triệu người (năm 2022).

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR). (Nguồn: Nguyễn Ngọc).  

Trong khi đó tại Việt Nam, đầu năm 2024, khi đơn hàng quay trở lại, nhiều doanh nghiệp cần có một nguồn lực vốn lớn để nhập nguyên phụ liệu và mở rộng sản xuất kinh doanh và trả lương lao động.

Song, thực tế, chỉ có doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng tiếp cận nguồn vốn từ phía ngân hàng mới có thể tiếp nhận những đơn hàng này. Còn những doanh nghiệp đã và đang gắng gượng sau những cú sốc về COVID-19, sau đó cú sốc về suy giảm kinh tế trong trường hợp có đơn hàng thì cũng không có khả năng tiếp cận được nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Về nhu cầu trong nước, theo số liệu Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015 - 2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. Mức tăng 8,2% trong quý I là mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch.

“Tất cả yếu tố này khiến chỉ số PMI của Việt Nam thấp hơn so với trung bình ASEAN”, ông Việt nêu rõ.

Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, PMI là một chỉ số kinh tế được sử dụng để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ của một nền kinh tế, được tính toán dựa trên khảo sát đối với một nhóm các quản lý mua sắm trong các công ty hoặc tổ chức trong một ngành cụ thể.

Tại Việt Nam, sau khi cải thiện nhẹ trong hai tháng đầu năm trên ngưỡng 50 điểm, chỉ số PMI lại giảm về 49,9 điểm do cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm, trong khi tình trạng nhu cầu giảm đã khiến chi phí đầu vào tăng chậm hơn và giá bán hàng giảm. Điều này cho thấy, mức phục hồi của tăng trưởng trong nền kinh tế hoặc ngành công nghiệp vẫn chưa thật vững chắc.

Không chỉ vậy, chỉ số PMI của Việt Nam cũng thấp hơn mức trung bình của ASEAN cũng cho thấy, ngoài rào cản liên quan đến xu hướng kinh doanh mới như tín chỉ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, các sản phẩm trong nước cũng khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng khác ở các nước trong khu vực. Nguyên nhân chủ yếu do giá thành cao hơn, trong khi các chính sách như khuyến mại, duy trì bảo dưỡng khi đưa sản phẩm vào sử dụng chưa cạnh tranh thì khách hàng sẽ không lựa chọn.

“Nếu không nhanh chóng chuyển đổi, Việt Nam sẽ chậm chân hơn so với các nước trong khu vực trong cuộc đua tìm kiếm đơn hàng truyền thống và đơn hàng mới”, ông Thịnh nêu rõ.

Ổn định kinh tế vĩ mô là một lợi thế

PMI ngành sản xuất tháng 3 của một số nước trong ASEAN. (Nguồn: S&P Global).

Theo ông Thịnh, từ cuối tháng 11/2023 và đến nay, nhờ hoạt động xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng trở lại khiến khu vực sản xuất công nghiệp có sự hồi phục mạnh mẽ và tác động tích cực chỉ số PMI nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tuy vậy, trong năm 2024, Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại năm thứ 3 liên tiếp, GDP dự kiến giảm từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4%. Trong đó, nhiều nền kinh tế đối tác của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn năm trước đôi chút như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể khiến nhu cầu về hàng hóa từ các thị trường này giảm xuống.

Để bù đắp, theo ông Thịnh, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống như tập trung vào các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại song phương và đa phương và tập trung vào thị trường nội địa tìm cơ hội.

“Doanh nghiệp cần phải giảm thiếu tối đa các chi phí để giảm giá thành sản xuất, cung ứng sản phẩm với chất lượng và giá cả phù hợp, từ đó có thể đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo đà cho hồi phục và phát triển tốt hơn”, ông Thịnh nêu rõ.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Việt, chỉ số PMI là một công cụ quan trọng để các nhà đầu tư, nhà kinh tế và quản lý doanh nghiệp theo dõi tình hình kinh tế và đưa ra các quyết định liên quan đến đầu tư và kế hoạch kinh doanh.

“Đây là chỉ số thể hiện xu hướng dài hạn của nhà đầu tư, thể hiện niềm tin của nhà nhà đầu tư vào cải thiện môi trường kinh doanh cũng như phát triển của quốc gia đó trong tương lai”, ông Việt nêu rõ.

Vì vậy, để cải thiện chỉ số này, trong ngắn hạn, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và tích cực tham gia vào tham gia vào các Đối tác chiến lược – Đối tác toàn diện với các nước sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước.

“Chúng ta biến những lợi thế ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu, lúc đấy sẽ thúc đẩy được chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo cũng như chỉ số PMI trong thời gian tới”, ông Việt tin tưởng.

Về dài hạn, Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu (như cải cách thể chế của Nhà nước, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, kĩ năng của người lao động, cơ sở hạ tầng, chí phí logistics …)  kể cả trong xu hướng giảm và phục hồi của nền kinh tế.

Ngoài ra, dù là một lợi thế của kinh tế Việt Nam, song nếu không giữ được ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và sản xuất trong nước nói riêng. 

“Việt Nam vẫn phải có cẩn trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, như rủi ro trong hệ thống tài chính ngân hàng, nợ công của Chính phủ hay giám sát để đảm bảo tỷ giá không để biến động mạnh”, ông Việt khuyến nghị.

Ngọc Bảo