|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tâm điểm vĩ mô tháng 12: PMI xuống thấp, lo ngại sức cầu vẫn yếu

13:51 | 07/12/2023
Chia sẻ
Chỉ số PMI tiếp tục dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy sức cầu trong nước và thế giới vẫn yếu. Việt Nam vẫn cần thận trọng về triển vọng thương mại vì nhu cầu hàng hóa ở các đối tác thương mại lớn vẫn còn nhiều khó khăn.

Xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi nhưng còn nhiều bất trắc

Bức tranh kinh tế tháng 11 nổi lên điểm sáng đến từ xuất khẩu khi lĩnh vực này đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp tăng trưởng so với cùng kỳ, sau giai đoạn suy giảm mạnh chưa từng thấy. 

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, xuất khẩu có chuỗi tăng trưởng âm kéo dài từ tháng 11/2022 (ngoại trừ tháng 2 tăng 11,7% so với cùng kỳ). Tuy nhiên xét so với tháng trước, xuất khẩu lại giảm 3,6%.

 

 

Xét về mặt hàng, hai mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 11 so với cùng kỳ là xơ, sợi dệt các loại (tăng 92%) và máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (tăng 71%).

Lũy kế 11 tháng xuất khẩu ước đạt 322,5 tỷ USD (giảm 6% so với cùng kỳ). Các mặt hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất so với cùng kỳ bao gồm hóa chất (giảm 24%), thủy sản (giảm 19%), gỗ (giảm 18%).

Trong khi đó các mặt hàng nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ bao gồm gạo (tăng 36%), hạt điều (tăng 17%), rau quả (tăng 74%).  

Trước đó, giới chuyên gia đều chung nhận định xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm sẽ có tăng trưởng dương trở lại so với cùng kỳ một phần nhờ hiệu ứng mức cơ sở thấp. 

Dự báo thời gian tới, tại sự kiện mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nêu quan điểm nếu như kinh tế toàn cầu trong đó có Mỹ hạ cánh mềm, Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, động lực xuất khẩu năm 2024 sẽ rất rõ ràng nếu kinh tế Trung Quốc không diễn biến quá xấu.

Tuy nhiên ông cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất trắc, do đó dự báo xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam sẽ tăng trong khoảng 5 - 7%.    

Còn theo quan điểm của ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup, khó kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu phục hồi mạnh năm 2024 và tâm lý tiêu dùng được cải thiện do kinh tế các nước đối tác lớn của Việt Nam dự báo vẫn yếu trong năm tới.     

Ông nhắc lại dự báo của các tổ chức, theo đó tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 2,4% năm 2023, nhưng năm 2024 còn xuống thấp hơn ở mức 1,5%. Đồng thời dự báo lạm phát năm 2024 cũng giảm xuống 2,7%, từ mức dự báo năm 2023 là 3,8%.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,7% trong năm 2024, dự báo năm 2023 là 5,2%. Trong khi đó, EU được dự báo phục hồi nhẹ.

"Năm 2024, Việt Nam và các quốc gia mới nổi sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Châu Âu cũng tương tự. Nhưng các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc sẽ đối mặt suy giảm tăng trưởng. Năm 2023, kinh tế tăng trưởng chậm lạm phát cao, năm 2024 kinh tế vẫn tăng trưởng chậm nhưng lạm phát thấp", ông nói thêm.          

PMI thấp nhất trong 5 tháng, lo ngại sức cầu vẫn yếu

Trái ngược với những tín hiệu cải thiện từ xuất khẩu, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 11 giảm còn 47,3 điểm, thấp nhất trong 5 tháng.

Theo S&P Global, nhu cầu yếu khiến số lượng đơn đặt hàng mới giảm trở lại trong tháng 11, từ đó sản lượng cũng giảm sâu hơn. Các công ty cũng cắt giảm việc làm và hoạt động mua hàng, đồng thời cũng tỏ ra ngần ngại trong việc tích trữ hàng tồn kho. 

 

Trong chương trình mới đây, ông Đặng Quang Đông, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định chỉ số PMI tiếp tục dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy sức cầu trong nước và thế giới vẫn yếu và đây là chỉ số nhà đầu tư cần theo dõi giai đoạn này.

Đồng quan điểm, nhóm phân tích HSBC trong báo cáo mới phát hành cho rằng Việt Nam vẫn cần thận trọng về triển vọng thương mại vì nhu cầu hàng hóa ở các đối tác thương mại lớn vẫn còn nhiều khó khăn.  

Cập nhật một số chỉ số vĩ mô tại ba đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tăng trưởng GDP quý III/2023 của Mỹ đạt 4,9% so với quý trước. Trong khi đó châu Âu đang đứng trước nguy cơ đối diện với suy thoái kỹ thuật nếu tăng trưởng GDP quý IV/2023 âm so với quý III/2023.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý III của nước này đạt 4,9% so với cùng kỳ. Trước đó, tăng trưởng đạt 4,6% quý I và 6,3% quý II.    

PMI ngành sản xuất của Trung Quốc và khu vực châu Âu vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, đạt lần lượt 49,5 và 43 điểm trong tháng 10, trong khi đó PMI sản xuất của Mỹ đạt 50 điểm.      

Anh Đào

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.