|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'PMI thấp không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là khó khăn chung của thế giới'

16:44 | 12/01/2024
Chia sẻ
Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới có chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy vẫn đang trong chu kỳ suy giảm sản xuất.

Tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 do VnEconomy và Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 11/1, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đầy hứa hẹn nhờ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng ổn định trong khu vực.

Kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ từ quý IV/2023 và điều này sẽ tiếp tục trong năm 2024. UOB dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt khoảng 6%.

 Ông Suan Teck Kin chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: BTC).

Đề cập đến khó khăn hiện tại, ông cho biết PMI của Việt Nam vẫn xuống thấp dưới 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là khó khăn chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ số PMI của phần lớn các quốc gia vẫn dưới 50 điểm cho thấy vẫn đang trong chu kỳ suy giảm sản xuất. Năm 2024, kỳ vọng môi trường đầu tư sẽ thân thiện hơn và chỉ số PMI sẽ tăng lên.

 Chỉ số PMI của phần lớn các quốc gia vẫn trong vùng đỏ (dưới 50 điểm). (Nguồn: UOB).

Trong khu vực, Singapore và Việt Nam là hai nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi suy giảm tổng cầu trên thế giới. Singapore có kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 bằng 337% GDP; Việt Nam bằng 186,5% GDP nên rất dễ bị tổn thương do độ mở kinh tế lớn. Vì vậy, theo đại diện UOB, vấn đề đặt ra là làm sao vẫn tận dụng được lợi thế thương mại nhưng vẫn phải có biện pháp để bảo vệ nền kinh tế trước những cú sốc bên ngoài.  

Thương mại giảm kéo theo sản xuất cũng giảm. Tuy nhiên, chuyên gia UOB cho rằng năm 2024 Việt Nam sẽ nhìn thấy sự cải thiện, đặc biệt trong ngành dệt may.

Ông Suan Teck Kin cũng đề cập việc Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đơn cử như năm 2016, 21,6% hàng hoá nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc nhưng đến cuối năm 2023, con số này đã giảm xuống 14,1%. Trong khi đó, Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 1,9% năm 2016 lên 3,3% năm 2023.  

Năm 2024, một số quốc gia lớn có thể rơi vào suy thoái nhẹ, trong đó có Mỹ. Chuyên gia UOB dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy giảm nhẹ 0,5% vào quý 1 và 1,2% vào quý II/2024 sau đó phục hồi vào nửa cuối năm 2024. Sự suy giảm này được dự báo không tác động quá lớn tới tổng cầu của thị trường Mỹ trong năm 2024.   

 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. (Nguồn: UOB).

Về lĩnh vực du lịch, năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu nhưng vẫn thấp hơn so với năm trước COVID-19. 

Tuy nhiên, theo ông Suan Teck Kin, sụt giảm khách quốc tế nói chung và khách Trung Quốc nói riêng không phải là vấn đề cuả riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng gặp vấn đề tương tự. Đơn cử như Thái Lan, năm 2023, nước này đón khoảng 11 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với con số gần 40 triệu lượt năm 2019. Khách Trung Quốc du lịch đến các nước cũng chưa thể phục hồi như thời điểm đạt đỉnh năm 2019.

Với Việt Nam, ông cho rằng năm 2024, ngành du lịch vẫn có thể đón lượt khách tương đương năm 2023. Vấn đề là làm sao để ngành du lịch mang tính cạnh tranh hơn, thông qua các giải pháp như tăng số chuyến bay, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện khả năng tiếp cận các khách sạn, tiện ích cho du khách nước ngoài.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Suan Teck Kin đánh giá Việt Nam đang ở vị thế tốt. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore luôn dẫn đầu về thu hút FDI, sau đó đến Indonesia và thứ ba là Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh. Tuy nhiên, cần khai thác thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phải đối mặt với già hoá dân số. Ông khuyến nghị Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp.

Trong trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần tăng cường cải thiện năng suất và hiệu quả lao động. Tại Singapore, hằng năm chính phủ đều thảo luận để tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện năng suất lao động, qua đó tăng cường tính cạnh tranh của quốc gia. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi.

Về đầu tư công, chuyên gia UOB đánh giá nay cơ cấu chi tiêu Chính phủ của Việt Nam vẫn đang ở mức hợp lý, tập trung vào cơ sở hạ tầng, nợ công khoảng 34% GDP tạo nhiều dư địa để Việt Nam mở rộng chính sách tài khóa.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, chuyên gia UOB khuyến nghị Việt Nam đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và khoa học công nghệ. Hiện, Việt Nam đang là một trong những quốc gia dành ít ngân sách cho các hoạt động giáo dục, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động.           

Anh Đào