|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Việt Nam có thể lấy lại mức tăng trưởng 6% trong năm 2024

20:48 | 11/01/2024
Chia sẻ
Theo HSBC, khi các dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi, mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu.

 2023: Khép lại bằng một cái kết tích cực

Trong báo cáo phân tích mới đây, HSBC Việt Nam nhận định năm 2023 không phải là một năm dễ dàng với nền kinh tế Việt Nam. "Bấp chấp bối cảnh gập ghềnh, Việt Nam đã khép lại năm 2023 một cách tương đối tích cực để từ đó năm 2024 nhiều khả năng sẽ là năm Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ muôn trùng thách thức", theo HSBC.

Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,1% phù hợp với dự báo của HSBC đưa ra từ tháng 7/2023 và cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường là 4,6%.

Theo các chuyên gia của HSBC, không quá khó để nhận diện sự phục hồi bắt nguồn từ đâu. Lĩnh vực sản xuất, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, chứng kiến sự cải thiện đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm 2023 so với sự trì trệ nghiêm trọng trong nửa đầu năm. Dấu hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt thể hiện rõ trong mảng điện tử.

Chu kỳ công nghệ đảo chiều là nhân tố thầm lặng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam phục hồi. Sau khi giảm ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam rốt cuộc cũng đã chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng gần đạt mức hai con số trở lại trong quý IV/2023, phần lớn là nhờ xuất khẩu hàng điện tử gia tăng. 

Xuất khẩu máy tính phục hồi sớm nhất ngay từ quý III/2023, theo sau đó là xuất khẩu điện thoại.

Bên cạnh điện tử, xuất khẩu máy móc cũng bắt đầu phục hồi và xuất khẩu nông nghiệp bùng nổ, liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số.

Cùng với việc lĩnh vực sản xuất cải thiện, ngành dịch vụ cũng trở thành trợ lực cho tăng trưởng. Dịch vụ trong quý IV đã tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là từ các lĩnh vực liên quan đến du lịch như bán lẻ, vận tải và lưu trú.

Trong năm 2024, dòng vốn FDI được nhận định là sẽ mang lại niềm hy vọng cho nền kinh tế Việt Nam. Theo HSBC, xu hướng hưởng lợi từ những căng thẳng thương mại Trung - Mỹ sẽ còn tiếp diễn.

Cả tổng FDI và FDI mới trong năm 2023 đều gần đạt đến các mức cao trong lịch sử trước đây, đặc biệt là FDI dạng đầu tư mới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng bốn năm đạt khoảng 5% GDP.

Đáng chú ý là FDI mới đổ vào sản xuất đã tăng lên mức cao mới đạt trên 15 tỷ USD, 80% trong số đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Kết quả này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Malaysia.

 

Việt Nam có thể lấy lại mức tăng trưởng 6% trong năm 2024

Các chuyên gia HSBC dự báo Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng lấy lại mức tăng trưởng xu hướng 6% trong năm 2024. Khi các dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi, mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu. Mặc dù cần theo dõi diễn biến tác động của việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%, những tác động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức nhẹ trong năm 2024, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát mới là 4-4,5%.

Theo HSBC, mặc dù xu hướng giảm lạm phát diễn ra trên diện rộng ở Việt Nam, áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất đi. Rủi ro tăng lạm phát do năng lượng và thực phẩm vẫn còn đó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khá nhạy cảm đối với những mặt hàng này do tỷ trọng khá lớn trong rổ tính toán lạm phát.

Thêm nữa, chi phí y tế gia tăng cũng là vấn đề cần lưu tâm chặt chẽ sau khi Việt Nam tiếp tục áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế toàn quốc sau giai đoạn 4 năm.

"Mặc dù vẫn lưu tâm đến rủi ro tăng giá, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở 4,5% trong suốt năm 2024", HSBC dự báo.

H.T

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.