Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vượt trội năm 2024
Trong báo cáo triển vọng năm 2024 mới phát hành, CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhắc lại tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05% năm 2023.
Trong đó, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52%, đóng góp 41% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,6%; xuất khẩu ròng đóng góp 32,3% (xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54% so với cùng kỳ; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33% so với cùng kỳ).
Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 - 6,5% và CPI ở mức 4 - 4,5% , trong khi kỳ vọng chung của thị trường lần lượt là khoảng 6% và 3,5%.
"Dựa trên mức kỳ vọng chung, các nhà kinh tế tin tưởng rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ vượt trội vào năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nhu cầu trong nước và toàn cầu, xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ vừa phải và đầu tư mạnh mẽ từ vốn Nhà nước và dòng vốn FDI", Mirae Asset Việt Nam nhận định.
Theo nhóm phân tích, đầu tư công kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, trong khi các động lực tăng trưởng khác vẫn ở còn chậm.
Vốn đầu tư thực hiện tăng 6,2% so với cùng kỳ vào năm 2023 (so với mức tăng 11,3% năm 2022), nhờ giải ngân ngân sách nhà nước (tăng 14,6%) để thực hiện các dự án đầu tư công, trong khi vốn đầu tự thực hiện từ khu vực FDI và các doanh nghiệp ngoài nhà nước chậm lại đáng kể.
Số liệu chính thức của Bộ Tài chính cho thấy giải ngân công tăng vọt trong tháng 11/2023 (tăng 48%) và tháng 12/2023 (tăng 34%). Tổng cộng, giải ngân lũy kế 12 tháng năm 2023 tăng lên 33% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia tại đây tin rằng Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công nhờ dư địa tài khóa dồi dào. Nợ công ước khoảng 37% GDP vào cuối năm 2023 (so với năm 2022: 37,1%), thấp hơn nhiều so với mức trần 60% do Quốc hội quy định.
Năm 2023, bội chi ngân sách nhà nước lũy kế đạt 14.100 tỷ đồng (so với mức thâm hụt ước tính 455.500 tỷ đồng đặt ra vào đầu năm).
Năm 2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước với mức thâm hụt ước tính 399.400 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP) và kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số tiền là 677.300 tỷ đồng (bằng 95,6% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023).
Một điểm thuận lợi nữa trong năm 2024, theo nhóm phân tích, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút dòng vốn FDI. Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư FDI từ các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ có thể mở đường cho các dự án FDI từ nước này đến Việt Nam (chiếm 2,5% tổng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực), đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản (chiếm 15,8% tổng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực) đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện vào cuối tháng 11/2023.
Bên cạnh đó, Việt Nam có động lực dài hạn từ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; các chính sách hỗ trợ và cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050; năng lực cạnh tranh về chi phí của lực lượng lao động Việt Nam so với các nước châu Á khác.
Về xuất khẩu, lĩnh vực này dự kiến sẽ phục hồi hơn nữa trong năm 2024, nhờ vào nhu cầu ở một số thị trường xuất khẩu dần có dấu hiệu cải thiện trong những tháng gần đây; tồn kho của Mỹ đã giảm từ với mức đỉnh và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã thu hẹp mức giảm đáng kể.