|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chuyên gia: Lấy lại niềm tin nhà đầu tư, cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm về TPDN

16:17 | 17/03/2023
Chia sẻ
Theo TS. Cấn Văn Lực, cần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc vi phạm liên quan đến TPDN để giúp thị trường phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ.

Phát biểu tại Toạ đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 17/3, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, Nghị định 08 mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường.

Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh thị trường cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường cũng như nền tảng nhà đầu tư.

Giải quyết nhanh chóng, dứt điểm những vụ vi phạm về TPDN

Với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), theo TS. Lực cần lưu ý hai vấn đề quan trọng là tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm để thị trường vốn phát triển. Do đó, TS. Lực cho rằng, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, giải quyết các vấn đề của thị trường trước hết cần quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN vừa qua.

Điều này sẽ giúp thị trường TPDN phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn.

 TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Nhà Đầu tư).

Hai là, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp

Ba là, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN).

Bốn là, hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo…. Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp an toàn là nội dung cần sớm triển khai để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Năm là, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… Tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Sáu là cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, thị trường TPDN Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống... cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.

Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến rủi ro hệ thống, lan truyền giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản. Theo đó, nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý là rất quan trọng, cùng với việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính, với việc tăng tính độc lập, năng lực cho cơ quan thanh tra - giám sát cũng như vai trò của bảo hiểm tiền gửi. Cùng với đó cũng cần có đề án để sớm nâng hạng thị trường.

Lấy lại niềm tin, thị trường sẽ có thanh khoản

 

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký VBMA, (Ảnh: Nhà Đầu tư).

Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ông Đỗ Ngọc Quỳnh thì cho rằng: "Chúng ta hay nói về khó khăn, mất thanh khoản của thị trường TPDN. Nhưng thanh khoản thị trường sẽ có khi nhà đầu tư có niềm tin".

Vậy làm thế nào lấy lại niềm tin nhà đầu tư? Theo ông Quỳnh, niềm tin sẽ đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, minh bạch chưa đủ mà phải đi kèm với sự hiểu biết của nhà đầu tư, nâng cao hiểu biết của các thành viên tham gia thị trường là rất quan trọng, ông Quỳnh đánh giá.

Cùng với đó là một thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng. Cuối cùng là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Quan trọng nhất là chất lượng của con nợ và tổ chức phát hành, như vậy thị trường sẽ bền vững.

Đánh giá về những điểm mới đối với TPDN trong Nghị định 08, ông Quỳnh nói: "Chúng ta vẫn kiên định hướng tới thị trường trái phiếu chuyên nghiệp, lành mạnh. Nghị định 08 trước mắt tháo gỡ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, có thời gian nâng tầm theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn, không phải thay đổi để doanh nghiệp phát hành thuận lợi hơn.

Có thể trong giai đoạn trước mắt, Nghị định 08 được ban hành để lùi thời gian áp dụng một số điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để nâng tầm để chuyên nghiệp hơn, đáp ứng các chuẩn mới.

Do đó, trong ngắn hạn Nghị định 08 không giải quyết nhiều vấn đề về khơi thông nguồn vốn mà chỉ giúp doanh nghiệp giảm áp lực để tái cấu trúc, nếu doanh nghiệp đàm phán được. Thông qua đó, doanh nghiệp cũng có cơ hội phục hồi hoạt động, còn lại vẫn phải huy động qua hình thức khác ngoài TPDN để có thêm nguồn vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ông Quỳnh nhìn nhận.

Với việc xếp hạng tín nhiệm, Tổng Thư ký VBMA bày tỏ quan điểm: "Ngay trong quá trình tham gia góp ý dự thảo Nghị định 08, tôi đã cho rằng không nên hoãn áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho hoạt động phát hành riêng lẻ. Trong thời gian qua, vấn đề của thị trường là nhà đầu tư mất niềm tin vì thiếu tính minh bạch, chuyên nghiệp, để đẩy mạnh".

Hiện nay, có hai hình thức phát hành riêng lẻ và công chúng. Phát hành TPDN riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng cần nhìn nhận rõ là nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện. Với Nghị định 65 và 08 không có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải tốt hơn để phát hành trái phiếu mà chỉ là tính minh bạch.

Với Nghị định 08, phát hành TPDN mới vẫn sẽ khó khăn, khi mà tâm lý nhà đầu tư trên thị trường vẫn rất yếu, hoạt động phát hành sẽ khó từ phía cầu.

Về phía cung, nhu cầu phát hành là có nhưng năng lực, chất lượng tổ chức phát hành bị hạn chế, nên việc phát hành hướng tới nhà đầu tư cá nhân là khó khăn, cần có thời gian để doanh nghiệp nâng tầm lên và thích ứng với bối cảnh thị trường.

Để định hướng thị trường TPDN phát triển lành mạnh, chính sách quản lý thị trường vốn là hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, đảm bảo tính thị trường, không hành chính.

"Doanh nghiệp nào cũng có quyền phát hành trái phiếu nhưng doanh nghiệp phải hướng tới minh bạch, còn lại để thị trường tự đánh giá", ông Quỳnh nói.

Hạ An