|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia kinh tế nói gì về năm 2017

10:53 | 28/01/2017
Chia sẻ
Kinh tế Việt Nam đối mặt với những thử thách nhưng nhiều tín hiệu lạc quan cho tăng trưởng, phóng viên lược trích ý kiến của các chuyên gia kinh tế về các giải pháp cho kinh tế năm 2017 và những năm tới.
chuyen gia kinh te noi gi ve nam 2017
TS Võ Trí Thành. Ảnh: VTCnews

TS Võ Trí Thành: Hai điểm tựa tăng trưởng kinh tế năm 2017

Tôi cho rằng có hai cách để nhìn vào để xem xét khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Thứ nhất, đi theo lĩnh vức đang dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2016 để tìm hướng cho năm 2017. Theo tôi đó là các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, du lịch...

Năm vừa qua công nghiệp chế biến chế tạo, gắn với xuất khẩu từ khu vực FDI đang dẫn dắt tăng trưởng. Tuy nhiên lĩnh vực này phụ thuộc khá nhiều vào cầu thế giới trong khi đó dự báo năm 2017 cầu phụ hồi khó khăn, chính trị, kinh tế thế giới bất định.. và cả chủ nghĩa bảo hộ.

Ngành xây dựng (với hai lĩnh vực quan trọng là kết cấu hạ tầng và bất động sản) có hệ số kéo với các ngành kinh tế khác khá cao. Đằng sau hạ tầng là đầu tư công. Trong khi đó, ngân sách hiện nay cho đầu tư công đang rất hạn chế. Việt Nam cần phải lựa chọn những nội dung ưu tiên. Trước mắt nguồn vốn ODA năm 2017 vẫn còn, hoặc có thể phát hành trái phiếu, nhưng những khả năng này đều có giới hạn nhất định. Do đó sẽ còn nhiều khó khăn để phát triển.

Riêng với bất động sản, hiện còn nhiều tranh cãi nhưng nhiều đánh giá cho rằng thị trường đang phục hồi tuy rằng năm nay tốc độ có phần giảm.

Lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng tiếp theo có thể kể tới là du lịch. Năm 2016, Việt Nam thu hút được trên 10 triệu lượt khách, con số được coi là lớn nhất trừ trước đến nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ sở hạ tầng của chúng ta khả năng hấp thụ lượng khách lớn như vậy? Chưa kể khó khăn của kinh tế thế giới và tỷ giá ảnh hưởng đến khả năng chi trả của khách du lịch. Như vậy, những lĩnh vực dẫn dắt nền kinh tế cũng đang gặp vấn đề khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể hi vọng được bù đắp tốt hơn ở một số lĩnh vực khác.

Có thể kể tới nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng khoảng 22,5%, ngành này sẽ đóng góp vào 16% GDP, với mức tăng này ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 0,4% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, theo tôi, nên hi vọng điều kiện thuận lợi để nông nghiệp về quỹ đạo bình thường, không còn tăng trưởng âm như đầu năm 2016.

Thêm nữa về đầu tư xã hội, tôi cho rằng doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho nền kinh tế trong năm tới.

Cách thứ hai để tăng trưởng kinh tế có thể nhìn theo tổng cầu về tiêu dùng. Các chỉ số điều tra về cầu tiêu dùng của Việt Nam hiện nay vẫn hết sức lạc quan. Nhân tố tích cực thể hiện qua chỉ số bán lẻ hiện đang tăng khá mạnh.

Dù vậy, theo tôi cần lưu ý (đặc biệt trong bối cảnh bất định rủi gia tăng hiện nay), vì tăng tiêu dùng khi trừ đi yếu tố giá cả vẫn tính cực nhưng tốc độ tăng đang bắt đầu thấp hơn năm ngoái.

Trước mắt trong năm 2017, tôi cho rằng cần nhất là cải cách thể chế. Cái nhìn ngắn hạn là cải cách thể chế Việt Nam. Khi chúng ta nhìn cả năm nên nhìn dài 1 chút, đánh giá cả năng suất chất lượng các cải cách.

chuyen gia kinh te noi gi ve nam 2017
GS Võ Đại Lược. Ảnh: Tiền phong.

GS Võ Đại Lược: Cần tận dụng các lợi thế còn bỏ ngỏ của Việt Nam

Tôi cho rằng Việt Nam nên tận dụng các lợi thế và thu hẹp khoảng cách với các nước khác thông qua tận dụng nguồn nhân lực. Việt Nam có nhiều lợi thế chưa khai thác được hiệu quả cần chú trọng trong năm tới.

Việt Nam chúng ta có một thế mạnh rất quan trọng đó là vị trí địa chính trị chiến lược. Việt Nam ở trung tâm vùng Đông Á, có bờ biển rất dài, vị trí mặt tiền nhìn ra biển. Tôi có thể kể ví dụ, một Tập đoàn Dubai đã từng tính tới việc xây khu đô thị cao cấp ở Bắc Phú Yên. Điều này gợi mở cho chúng ta một hướng đi đó là xây các biệt thự gần biển để bán cho người giàu thế giới...

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những cảng nước sâu hàng đầu thế giới như Cam Ranh, Vân Phong... Chúng ta có những vịnh rất đẹp như Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang... và nhiều địa điểm khác nữa. Tất cả tạo nên cho chúng ta lợi thế rất lớn về du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta chưa khai thác tốt những lợi thế này.

chuyen gia kinh te noi gi ve nam 2017
Ảnh chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Dân trí

TS Nguyễn Đình Cung: Quan trọng là chúng ta có dám thay đổi

Tôi nghĩ năm nào chả có khó khăn nhưng càng khó khăn bao nhiêu thì càng tạo sức ép, huy động nội lực, động lực để tăng trưởng. Điều tôi lo là bản thân chúng ta có muốn thay đổi hay không, hay chờ sức ép đến tận cùng rồi mới chịu thay đổi. Phải thay đổi nền tảng để thị trường thì thị trường hơn, Nhà nước kiến tạo, thông minh hơn, như thế mới nâng cấp nền kinh tế lên được.

Tôi không quan tâm đến tăng trưởng sáu phẩy mấy phần trăm, vì thể nào cuối năm cũng đạt mục tiêu, nếu không đạt thì cũng lý giải tại nó thế này thế kia chứ không nhìn thẳng vào cốt lõi là tăng trưởng đã tới hạn rồi. Điều quan trọng, theo ông là sự thay đổi chứ không phải chỉ là nhìn thấy thành tích qua con số.

chuyen gia kinh te noi gi ve nam 2017
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên. (Ảnh: VGP/Minh Ngọc).

TS Trần Đình Thiên: Đừng lo tốc độ tăng trưởng, cần dồn lực cho tái cơ cấu"

Trước nay động lực tăng trưởng của Việt Nam dựa vào đầu tư nước ngoài rất nhiều. Cơ sở để tăng trưởng Việt Nam ít. Như vậy, chỉ có thể cải cách đầu tư từ bên trong, tăng chất lượng đầu tư, còn về mặt lượng đầu tư không tiềm năng.

Vì vậy, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần cân nhắc khi lựa chọn nhà đầu tư. Không cần tiếp cận mời hết các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ cần những nhà đầu tư lớn, chất lượng cao. Kể cả du lịch, cũng nên chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao, mời gọi và giữ chân khách du lịch "hạng nhất".

Thêm nữa, Việt Nam cần "chăm lo" cho các doanh nghiệp trong nước, thay vì dọn mặt bằng cho nước ngoài. Việt Nam cần hướng đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, bằng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn.

Lập luận sơ đồ tăng trưởng của chúng ta mới chỉ tính đến tốc độ mà chưa thay đổi cấu trúc. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6% hay không không quan trọng. Năm nay 6% nhưng quan trọng là năm sau có thể trở thành một Việt Nam khác nhờ tái cấu trúc. Nếu cứ bám EU, TPP các FTA và nguồn lực bên ngoài, Việt Nam chỉ có thể biến hóa được trong phút chốc. Nếu có vượt lên chỉ là khoảnh khắc ấy, còn bước tăng trưởng vẫn chỉ là 6%.

Tôi cho là nên bớt hành động ngắn hạn đi, bớt lo lắng cho tăng trưởng đi, mà cần tập trung nguồn lực thay đổi cấu trúc. Nếu làm đúng tái cơ cấu kinh tế thì đừng lo chuyện tăng trưởng, tăng trưởng một phần do thị trường điều chỉnh, làm tốt tái cơ cấu tăng trưởng sẽ tốt.

Đừng lo tốc độ tăng trưởng, dồn lực cho tái cơ cấu kinh tế. Thay đổi cấu trúc, làm khác mình đi, tự khắc bước đi sẽ dài hơn.

chuyen gia kinh te noi gi ve nam 2017
TS Cấn Văn Lực. Ảnh: Thời báo Ngân hàng.

TS Cấn Văn Lực: Năm 2017 phải là năm hành động

Năm 2017 kinh tế thế giới được dự báo khá hơn một chút, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ nhích lên. Về Việt Nam chúng ta năm tới sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn năm nay nhưng cùng lắm 6,4 - 6,6%, với mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Chính phủ cần phải đạt nỗ lực tuyệt vời mới có thể đạt được.

Tất cả những cơ chế chính sách, biện pháp giải pháp cho phát riển kinh tế đã có cả rồi, việc cần bây giờ là thực thi và hành động.

Đã có Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 cho công tác đổi mới chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, vấn đề là bắt tay vào làm việc đó chính là phải rõ trách nhiệm của các đầu mối bộ ngành.

Chúng ta cũng đã có đề án tái cơ cấu kinh tế, tuy nhiên tôi cho rằng cần phải làm chi tiết hơn chi tiết hơn một số mục tiêu, giải pháp. Có thể lấy ví dụ như đề án đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng ta cần làm rõ mô hình tăng trưởng mới là gì? Tập trung vào chất lượng tăng trưởng, vậy chất lượng tăng trưởng ấy là gì, phải làm rõ!

Đặc biệt, chúng ta mới có đề án tái cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế. Theo tôi, cần phác thảo chi tiết đề án tái cơ cấu cấu phần cho từng khối doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng, đầu tư công. Kể cả khối được bổ sung năm nay như khối kinh tế Nhà nước với các doanh nghiệp sự nghiệp công, các thành phần khác trong mảng Nhà nước, theo tôi cần phải làm rõ ràng cụ thể từng đề án cấu phần này.

chuyen gia kinh te noi gi ve nam 2017
Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Dân trí.

Giám đốc World Bank Việt Nam, ông Ousmane Dione: Quan trọng là hành động và huy động nguồn lực

Đôi khi WB cũng khuyến nghị rằng con số tăng trưởng không bằng chất lượng tăng trưởng. Tôi nghĩ rằng, nhìn vào lịch sử tăng trưởng, Việt Nam đặt ra mục tiêu và đã làm được. Đây là một mục tiêu có tính tham vọng nhưng tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được. Tất nhiên là không có gì sai với việc chúng ta có tham vọng cả. Điểm quan trọng là con đường để đạt mục tiêu như thế nào và các công cụ nào để đạt được mục tiêu đó.

Tất nhiên tôi không có nghi ngờ gì về mục tiêu cả, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để Việt Nam sẽ đưa ra những hành động để thực hiện và làm thế nào để huy động được sự tham gia của các đối tác, kể cả chúng tôi để thực hiện mục tiêu này. Tăng trưởng 6% tốt, 6,2% cũng tốt mà 6,7% thì càng tốt. Và khi đưa ra mục tiêu thì phải huy động mọi người tham gia để thực hiện được mục tiêu này.

Tôi cho rằng nên tận dụng, phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển. Việt Nam vẫn cần nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh hiện nay, Việt Nam cần tăng cường đầu tư trong nước hơn nữa. Tôi trông đợi đến năm 2035, Việt Nam sẽ không còn là nước nhận ODA nữa mà đóng góp cho ODA. Trước mắt, Việt Nam vẫn nên tận dụng nguồn vốn này một cách tiết kiệm, hiệu quả cùng với đó là huy động nguồn lực tư nhân cho phát triển.

Thái Hoàng (lược ghi)