|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: 'Kinh tế hồi phục nhờ yếu tố bên ngoài nên khó có thể ổn định'

16:00 | 03/09/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu về đầu tư đã và đang phục hồi tích cực, song yếu tố này chưa thể ổn định do phụ thuộc vào khu vực FDI và cầu bên ngoài – những yếu tố không thể kiểm soát được.

Với tăng 6,93%, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (GDP) trong quý II đã vượt xa các kỳ vọng trước đó và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ (5,58 – 6,32%). Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01 (6%). Thậm chí, với mức tăng trưởng này, Việt Nam đã vươn lên để trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Tăng trưởng GDP quý II của các nước trong khu vực ASEAN-6. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp) 

Với kết quả tốt hơn kỳ vọng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, GDP quý III sẽ tiếp tục khả quan nhờ các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và trong tầm kiểm soát.

Cùng với đó, các động lực tăng trưởng cả truyền thống và mới được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; và kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố....

Theo ông Lực, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3 - 6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5% (kịch bản cơ sở), đạt cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5 - 6,7% (kịch bản tích cực).

“Kinh tế Việt Nam có thể có kịch bản tốt nhất ở mức tăng trưởng GDP 7% nhờ các động lực về xuất khẩu về đầu tư đã và đang phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước thể hiện rất rõ số liệu này từ quý 3/2023 trở lại đây”, ông Lực nhìn nhận. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, kinh tế Việt Nam trong tháng 7 (tháng đầu tiên của quý III) tiếp tục đà phục hồi tích cực nhờ rất nhiều yếu tố đến từ bên ngoài.

Cụ thể, trong 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện khoảng 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Phụ thuộc nhiều vào những yếu tố không thể kiểm soát

Tuy nhiên, không chỉ chuyên gia Võ Trí Thành mà nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, nền kinh tế vẫn rất nhiều rủi ro do phụ thuộc vào khu vực FDI và cầu bên ngoài – những yếu tố không thể kiểm soát được.

"Khu vực trong nước vẫn còn nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với với con số gia nhập thị trường có độ chênh chưa nhiều. Ngoài ra, đầu tư công dù có nỗ lực nhưng không dễ vượt qua con số của năm ngoái; đầư tư tư nhân đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp; và mức tăng tiêu dùng đang chững lại", ông Võ Trí Thành chỉ ra.

Vì vậy, dù nhìn nhận các tháng quý III và IV sẽ tăng trưởng tốt hơn quý I và II do tính chu kỳ song ông Thành cũng cho rằng trên thực tế, kinh tế Việt Nam hồi phục nhờ yếu tố bên ngoài trong khi yếu tố này không thể kiểm soát.

"Tình hình hiện nay chứa đựng rất nhiều tính bất ổn, bất ngờ và bất thường do yếu tố địa chính trị, có thể có rung lắc của thị trường thế giới”, ông nói.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, xét về phía cung, chỉ nhìn duy nhất động lực tăng trưởng là phục hồi ngành công nghiệp và xây dựng. Song yếu tố này chưa thể ổn định do phụ thuộc vào khu vực FDI và cầu bên ngoài – là những yếu tố không thể kiểm soát được.

Về nông nghiệp, trước đây, mức tăng trưởng thường duy trì ở mức hơn 2%; những năm gần đây đã tốt hơn ở mức 3 - 4 %. Tuy nhiên, con số này cũng khó có thể tăng cao do có nhiều hạn chế như phụ thuộc vào thời tiết, nguồn lực đất đai thu hẹp, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn chậm,…

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công đã bắt đầu có xu hướng chậm lại do lo ngại làm thất thoát tài sản nhà nước nên việc quyết định đầu tư thận trọng hơn, kéo dài hơn. Thực tế, nhiều bộ ngành và địa phương số giải ngân đầu tư công thấp hơn so với kế hoạch và năm ngoái và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. (Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo)

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, ông Lực đã đề ra 5 giải pháp. Thứ nhất, các bộ ngành địa phương phải tiếp tục phải thực hiện nhất quán Nghị quyết 01, 02 của Thủ tướng Chính phủ, với rất nhiều chương trình giải pháp biện pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực ngành nghề khác nhau;

Thứ hai, kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật kinh doanh Bất động sản 2023, Luật các tổ chức tín dụng 2024... chính thức có hiệu lực từ 1/8, cũng như các đạo luật vừa được Quốc Hội thông qua nhằm đảm bảo nhất quán, đồng bộ và hiệu lực thực thi;

Thứ ba, tạo nền tảng pháp lý cho những nền tảng động lực tăng trưởng mới liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và nhiều ngành nghề khác;

Thứ 4, quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công vì đây vẫn là kênh dẫn vốn và kênh tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế tạo sự lan tỏa để thu hút nguồn lực đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước;

Cuối cùng, cần phải tiếp tục những hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bằng cách thực thi tốt các chính sách về tiền tệ về tài khóa và các lĩnh vực khác mà Quốc hội và Chính phủ đã thông qua.

"Đảm bảo thực thi những gói hỗ trợ hiệu quả - mặt thứ nhất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó, mặt thứ hai là nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai và mặt thứ ba là đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế vì khối doanh nghiệp và tiêu dùng luôn có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng", ông Lực nhấn mạnh.

Ngọc Bảo

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Ước tính sơ bộ đợt bão lũ này gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ước tính sơ bộ đợt bão lũ ở miễn Bắc gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng. So với kịch bản không có bão số 3, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35 điểm %.