Sáng mai (19/2), Quốc hội sẽ ‘chốt’ kế hoạch tăng trưởng GDP 2025
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/18/120220250855-z6309333116944b31e299067e6beb0ec29a16313413ca9-20250212095049918-20250218160740661.jpg?width=700)
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội)
Theo kế hoạch, sáng mai (19/2), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Trước đó, báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.
Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, tháng 1 ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 01/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ , chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp , cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp.
“Do vậy, đề nghị tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Tín dụng phải tăng trưởng tới 19%
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An, ĐBQH đoàn Đồng Nai cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% và cao hơn năm nay là phép thử để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số. Nếu triển khai tốt năm nay thì giai đoạn tiếp theo sẽ tăng trưởng được hai con số.
Về giải pháp, đại biểu An cho rằng có nhiều nhiệm vụ mang tính tổng thể, cũng có giải pháp tức thì. Theo đó, với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng ở mức cao năm nay thì cần quan tâm tới các giải pháp tức thì, tức là những giải pháp có tác động ngay. Cần phân loại, giải pháp nào thực hiện được ngay thì cần ưu tiên thực hiện, còn giải pháp dài hơi thì triển khai theo quy trình thông thường.
Phân tích cụ thể, theo đại biểu, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì cần tăng cường đầu tư và nguồn vốn. Tuy vậy, đầu tư tư nhân đang tăng trưởng 7-9% và có xu hướng giảm thời gian qua, do đó, đầu tư tư cần tăng trưởng 2 con số và để làm điều đó thì nguồn lực tín dụng cũng phải được đẩy mạnh.
“Nếu tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 15-16% thì khó đạt mục tiêu, cần tăng lên khoảng 18-19%, mặc dù điều này có thể liên quan đến chính sách tiền tệ, lạm phát, nhưng nếu không có tín dụng thì khó phát triển”, ông An nêu quan điểm.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/18/87c02a58be5f0001594e-1-1739616517790597649429-20250218161729502.jpg?width=700)
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội)
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Anh Tuấn, ĐBQH TP HCM cho rằng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì tín dụng phải ở mức lãi suất hợp lý và kết hợp với chính sách dự trữ bắt buộc cũng như thị trường mở để tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt được 17-18% sẽ góp phần lớn vào tăng trưởng trên 8%.
Cùng với đó, chính sách tài khóa cũng phải tiếp tục giảm thuế, đặc biệt từ giờ đến cuối năm về thuế giá trị gia tăng (VAT) và đối với các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển về chuyển đổi số, AI, mạch, chip, bán dẫn, … Đồng thời, cần phải có nhiều chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước để có thể đóng góp vào phần công nghiệp chế biến tiếp tục tăng mạnh hơn.
“Đối với kịch bản chúng ta dự báo tăng từ 9,7% thì có thể 10%, nếu chúng ta có một số chính sách khác như xem xét ưu tiên một số vị trí mặt bằng, đất đai hay tiền sử dụng đất, ... để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này và kích cầu đầu tư”, ĐBQH đoàn TP HCM nêu rõ.
Nguy cơ xảy ra “thương chiến”
Ở góc nhìn khác, đại biểu Hà Sỹ Đồng, ĐBQH Quảng Trị cho biết, nếu không tính giai đoạn biến động do COVID-19, lần gần nhất Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 8% là năm 1997. Từ đó đến nay, chưa khi nào đạt lại tốc độ cao và kéo dài như giai đoạn 1992-1997.
Năm 2022, mức tăng trưởng trên 8% có được là do nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhưng ngay năm sau đó, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống 5%. Với thực tế này, mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và hai con số từ năm 2026 là một thách thức rất lớn.
Đặc biệt, Việt Nam có vị trí địa lý, chính trị quan trọng nhưng năm 2025 khó tiên liệu, nhất là nguy cơ xảy ra “thương chiến”. Chính phủ đã chuẩn bị kịch bản ứng phó nhưng nếu Việt Nam bị Mỹ đánh thuế thì mức tăng trưởng khó tránh khỏi sụt giảm.
"Kể cả trong trường hợp không bị áp thuế, Việt Nam cũng không còn hưởng lợi từ “thương chiến” như trước, do các bên đã có kinh nghiệm đa dạng hóa chuỗi cung ứng", đại biểu nêu rõ.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/18/ha-sy-dong2-20250218161943147.jpg?width=700)
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Về giải pháp, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, lý tưởng nhất là khi Việt Nam không bị dính “thương chiến”, khi đó có thể tiết kiệm chi để tăng đầu tư công mà không phải tăng thu hay vay nợ. Vì nếu xảy ra thương chiến, tăng trưởng sẽ chịu tác động tiêu cực, lúc đó cần phải tính đến các biện pháp tăng thu, nâng bội chi và nợ công.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm cải cách thể chế, nhất là cải cách tư pháp nhằm bảo vệ quyền tài sản, quyền hợp đồng; không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thi hành án các vụ kinh doanh thương mại, tăng tỉ lệ thi hành án thành công về tiền.
Về đầu tư công, Chính phủ cần cân nhắc kỹ việc đẩy nhanh các Chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Để đạt tăng trưởng bền vững, đề nghị nên ưu tiên đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số trong Chính phủ.
Thừa nhận đây thách thức lớn khi bình quân tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay ở mức thấp - gần 3% và khu vực ASEAN 4-4,5%, nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định "khó mấy cũng phải làm".
Cả nước phải tăng trưởng, các địa phương phải tăng trưởng, các ngành phải tăng trưởng, các lĩnh vực phải tăng trưởng. Tất cả đều phải hành động, phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng.
Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, cần phải tạo không gian sáng tạo để các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và mọi chủ thể liên quan thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Cùng với đó là có thể phải nới rộng tăng trưởng tín dụng, kết hợp với chính sách tài khóa, tăng thu giảm chi, nới rộng tỉ lệ bội chi trong bối cảnh nợ công, nợ chính phủ đang được kiểm soát tốt. Đồng thời, cần phải tăng chỉ số ICOR (hiệu quả đầu tư) như các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện.
"Điều quan trọng là vay phải trả được và đầu tư cho trúng, đúng; các chủ thể có liên quan cùng tính toán với các cơ quan, Chính phủ về vấn đề này", Thủ tướng nhấn mạnh.